Trước đây khi nói đến “tấn công”, người ta thường hình dung đến một hành động hữu hình, quyết liệt giữa những thực thể tự nhiên. Nhưng giờ đây...
Nhiều cuộc “tấn công” vô hình nhưng mức độ quyết
liệt lại rất cao mà không phải lúc nào con người cũng nhận ra được, như
những cuộc “tấn công” trên internet hay “tấn công” vào nhân cách, uy tín
của con người, thương hiệu của sản phẩm...
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng hình ảnh, thương hiệu của
nông sản Việt Nam không chỉ cho việc xuất khẩu sang các thị trường khác
mà còn cho cả ngay thị trường trong nước. Từ một nước phải nhập khẩu
gạo nước ngoài để cứu đói thì giờ đây Việt Nam đã xuất khẩu gạo, chè,
càphê, hồ tiêu, tôm, cá với sản lượng lớn không nhất thì nhì ở trên thế
giới. Đây thực sự là một thành tích đáng kể của ngành nông nghiệp Việt
Nam và của người nông dân Việt Nam.
Nhưng sản lượng nông sản Việt Nam tuy lớn nhưng dường
như nông sản Việt Nam lại gặp khó khăn khi tiếp cận đến người tiêu dùng
nước ngoài và thậm chí cả người trong nước. Nhiều cuộc hội thảo của các
nhà khoa học, các nhà quản lý “từ đầu bờ” cho đến “đầu bàn” về việc làm
sao xây dựng được thương hiệu cho “nông sản Việt Nam”. Nhiều tỉ đồng từ
ngân sách đã được chi ra cho việc xây dựng thương hiệu theo hướng
“truyền thông tiếp thị”, “tấn công vào thị trường”...
Nhưng dường như không mấy ai quan tâm rằng thương hiệu
nông sản Việt Nam lại đang bị “tấn công” mãnh liệt ngay khi chưa được
hình thành. Sự tấn công này nguy hiểm cho nhiều đối tượng, như nông sản
và người tiêu dùng nông sản.
Đơn cử gần đây nhất cả nước xôn xao về việc một số nông
dân đã trộn bùn, phân lân vào chè khô (hay còn gọi là trà khô) để được
tăng khối lượng và mẫu mã đẹp. Những người nông dân đã chất phác khi trả
lời phỏng vấn rằng mình làm như vậy là do khách hàng ở nước láng giềng
yêu cầu. Người mua dùng chè đó để uống hay sử dụng vào mục đích nào thì
đó vẫn là quyền của người mua. Người bán có lãi thì làm. Sự việc này bắt
đầu từ bao giờ không ai đề cập mà chỉ khi chính nước láng giềng đó lại
thông báo ở quốc gia của họ là “chè khô Việt Nam không an toàn” thì
chính quyền mới ngỡ ngàng. Nhưng “kiếm củi ba năm thiêu một giờ” là một
ngạn ngữ “thương hiệu” tiêu biểu. Không biết đến bao giờ cụm từ “chè khô
Việt Nam sạch, không hoá chất” lại có thể ngự trị trong tâm tưởng của
người tiêu dùng nước láng giềng và ngay cả ở Việt Nam? Nếu như ai đó cho
rằng việc làm chè “bẩn” này chỉ mới diễn ra trong năm nay thì cái giá
mà ngành chè Việt Nam, nông dân trồng chè của Việt Nam phải trả là quá
đắt. Chỉ với một ít tiền để chấp nhận “thu mua chè bẩn làm bằng chứng”
mà thương hiệu về sản phẩm chè Việt Nam nói riêng và nông sản Việt Nam
nói chung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kiểu tấn công này đối với ngành chè
có thể là mới nhưng đã diễn ra đối với nhiều ngành khác.
Kiểu tấn công thứ hai đó là sản xuất nông sản ở quốc
gia khác nhưng lại mang thương hiệu Việt Nam hay nguồn gốc xuất xứ từ
Việt Nam mà báo chí hay gọi là “đội lốt hàng Việt”. Kiểu tấn công này
mạnh mẽ đối với các sản phẩm được sản xuất công nghiệp và cũng đang tấn
công vào nông sản của Việt Nam. Điển hình như các vụ thạch rau câu, nhân
của bánh trung thu truyền thống, rau, củ, quả được mang nhãn hiệu Việt
Nam, thông số sản phẩm bằng tiếng Việt, nơi sản xuất cũng là ở Việt Nam
nhưng thực ra lại hoàn toàn là nông phẩm của một nước láng giềng. Điều
đáng nói là những nông phẩm này lại là những thứ gây hại cho sức khoẻ
con người và hoàn toàn bị cấm ở chính quốc gia đó. Hậu quả là người tiêu
dùng lại mất niềm tin vào thương hiệu nông sản Việt Nam.
Kiểu tấn công thứ ba là tấn công vào phương thức sản
xuất nông sản của Việt Nam. Thương nhân nước ngoài đã hướng dẫn cho nông
dân cách tạo ra “nông sản” không cần nuôi, trồng theo lối phát triển tự
nhiên. Rau bí chỉ cần giâm cành và phun thuốc sau hai ngày thu hoạch,
rau muống chỉ cần phun thuốc một ngày là có thể hái đem bán, heo siêu
tăng trọng nhờ hormon...Người nông dân khi đã được “nhàn” mà lãi cao thì
sẽ bám theo phương thức sản xuất mới mà không quan tâm đến hậu quả của
những nông sản này đối với người tiêu dùng và hậu quả đối với thương
hiệu của nông sản Việt Nam. Để người nông dân quay lại với phương thức
nuôi, trồng chắc phải là một thời gian dài nhưng lúc này thì người tiêu
dùng đã phải tự trồng rau để ăn, mua nông sản tại siêu thị do nước ngoài
quản lý hoặc mua nông sản nhập khẩu từ trời Tây.
Nhiều ví dụ khác cho các kiểu tấn công khác trực tiếp
vào thương hiệu nông sản Việt Nam và gián tiếp vào sức khoẻ của người
Việt Nam mà khuôn khổ một bài báo không thể kể hết được. Nhưng điều đáng
nói nhất là chúng ta (bao gồm: cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hiệp
hội, doanh nghiệp, báo chí và nông dân) đã chưa có những biện pháp chống
đỡ những cuộc tấn công này. Rất nhiều phát biểu của những người có thẩm
quyền đổ lỗi cho những hành vi làm hoen ố thương hiệu nông sản Việt Nam
là do người nông dân, là do dân trí. Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng nông
dân lại là đối tượng được hưởng những điều kiện nâng cao dân trí thấp
hơn những “người phi nông”. Nông dân có quyền sản xuất, bán sản phẩm sao
cho có lợi nhuận cao nhất theo đúng quy định pháp luật mà họ “được
biết” để cải thiện đời sống của mình. Những đối tượng khác (cơ quan nhà
nước có thẩm quyền, hiệp hội, doanh nghiệp và báo chí) cần phải hỗ trợ
họ, cung cấp cho họ công cụ, phương thức để họ tự vệ.
Cũng cần nhận thức rằng khi thương hiệu đã bị “hoen ố”
thì càng “truyền thông tiếp thị”, sự “hoen ố” càng được nhiều người
biết. Nếu vậy, đúng là “gậy ông lại đập lưng ông”. Chiến lược xây dựng
nông sản Việt Nam nên có thêm những phương án bảo vệ, phòng thủ đối với
các cuộc tấn công. Chiến lược cho thương hiệu nông sản Việt Nam cần phải
gắn với những chiến lược phát triển khác của ngành nông nghiệp. Nếu
không, liệu Việt Nam có tiếp tục phải trả giá đắt cho nhận thức, phương
thức sản xuất, phát triển kinh doanh và sức khoẻ con người và để cho
người tấn công thu được những mối lợi nhãn tiền và sâu xa.
Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang
SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!