Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Tên mới nhưng "nghề" cũ: Dư luận viên

I.

Trước đây, người ta chưa gọi là “Dư luận viên”. Thường vẫn gọi là cán bộ tuyên huấn. Cấp huyện là có ban tuyên huấn rồi. Mấy ông trong ban này lúc ấy oai lắm. Các ông thường đi nghe tuyên huấn tỉnh, sau về nói lại với cán bộ và các tầng lớp nhân dân ở huyện. Nội dung thường thấy trong các buổi nói chuyện này là tin thời sự, đặc biệt là tin chiến thắng khắp nơi từ bắc tới nam (không bao giờ có tin ta thất bại, dù chỉ là tạm thời), và nghị quyết các loại (lúc ấy có người đã đề xuất nước ta nên xuất khẩu nghị quyết để nâng cao đời sống nhân dân cơ mà).


Báo chí hiếm, đài lại càng hiếm hơn nên được nghe cán bộ tuyên huấn nói chuyện là niềm vinh hạnh lớn. Những lời của các ông ấy nói là “những lời như chân lý sinh ra” (thơ Tố Hữu). Công bằng mà nói, các cán bộ tuyên huấn đã góp phần không nhỏ vào việc động viên toàn dân tham gia đánh Mỹ giành thắng lợi cuối cùng. Muốn làm tuyên giáo thì phải nói giỏi, trơn tru, lưu loát, có thế mới hấp dẫn được người nghe. Nhưng nghe mấy ông tuyên giáo huyện thì chán lắm. Nhiều ông nói ngọng. Lại cứ hay dở “chiêu” : “vấn đề này tôi chỉ nói nội bộ, các đồng chí đừng …” (ý là vấn đề này rất bí mật, các đồng chí là người rất đáng tin cậy tôi mới nói). Người nghe thấy sướng quá, hóa ra mình cũng là người quan trọng được biết những điều “bí mật” mặc dù những điều các ông ấy nói, BBC, Tiếng nói Hoa Kỳ… nó nói lâu rồi. Nhiều ông tuổi còn trẻ nhưng hay gọi lãnh tụ bằng “anh”, ý “mình với các “anh ấy” gần gũi lắm”. Mở miệng là “anh Duẩn, anh Đồng, anh Giáp… “. Cũng là học lẫn nhau cả thôi. Tỉnh đi nghe trung ương nói, thấy trung ương gọi bằng “anh”, khi về nói cho huyện cũng gọi như thế, rồi huyện thấy tỉnh gọi thế, cũng bắt chước. Người bình thường thấy gọi bằng “anh” nghe “oai” lắm. Nhưng người có tí hiểu biết thì thấy vừa “xấc”, vừa “hợm”. Khi nào phải nghe các ông ấy nói chuyện thì tốt nhất là kiếm một góc mà ngồi, mang theo quyển sách.

Từ khi về Hà Nội, nơi tôi làm việc có quan hệ với trường Nguyễn Ái Quốc (bây giờ là Học viện Hồ Chí Minh gì đấy!), cơ quan tuyên huấn cỡ lớn. Chi bộ quan tâm đến tình hình tư tưởng của anh em nên thỉnh thoảng vẫn mời mấy vị ở đấy về nói chuyện. Trình độ cấp trung ương, nên câu chuyện cũng có hấp dẫn hơn. Nhưng vẫn không chừa được cái bệnh: “vấn đề này tôi chỉ nói nội bộ…”. Và nhất là vẫn cái bệnh của tuyên huấn, thường nói lấy được, bất chấp sự thực khách quan.Vì cứ nghĩ người nghe không biết gì. Hoặc người ta có biết nhưng không thể “cãi” được. Nói mà tin rằng không có ai phản bác thì muốn nói gì chẳng được?

Một lần, khoảng 1995 , 1996, một ông đến nói về công cuộc đổi mới. Ông ấy nói đại ý: Chúng ta phải biết ơn đảng nhiều lắm vì nhờ đảng mới có đổi mới, nhờ đảng, cuộc sống của chúng ta mới được cải thiện như ngày hôm nay. Rồi ông ấy lấy thí dụ chứng minh cho cái điều ấy: Cách đây 10 năm, chúng ta phải mang chai đến cơ quan chia nhau mỗi người một ít xà phòng nước để giặt quần áo, bây giờ thì đủ loại xà phòng; tết Trung thu (hôm ấy sắp đến rằm tháng Tám), mấy người mới được một cái bánh đem cắt ra chia nhau mang về cho các cháu. Bây giờ thì bánh nướng, bánh dẻo ê hề, chỉ sợ không có tiền mà mua…

Mình nghe, “lộn hết cả ruột”.

Đến giờ nghỉ giải lao, ông ấy vào phòng khách ngồi uống nước cùng mấy người nữa. Mình cũng giả vờ vào xin chén nước. Sau vài câu xã giao, mình hỏi:

- Anh chắc năm nay cũng khoảng năm mươi tuổi?

- Vâng, tôi năm nay năm mốt.

- Xin lỗi, thế anh quê tỉnh nào?

- Cám ơn anh hỏi thăm. Tôi quê Thái Bình, tỉnh năm tấn xưa đấy.

- Anh hơn tôi một tuổi, nhưng vì anh quê ở Thái Bình nên có thể anh không biết. Từ năm 1959 về trước, thỉnh thoảng cứ sau ngày lĩnh lương, bố tôi thường đến nhà bà bác có cửa hàng tạp hóa, mua một hòm xà phòng giặt, mỗi hòm khoảng vài ba chục bánh. Khi nào dùng hết, lại đến chở. Chẳng có ai phân phối hay phải chia bôi gì. Còn cái bánh Trung thu ấy, cứ trước ngày Tết độ nửa tháng, bố mẹ tôi lại dẫn mấy anh em đi dọc các phố hàng Ngang, hàng Đường, Đồng Xuân xem người ta làm bánh trung thu. Vào dịp này, cửa hàng nào cũng làm bánh ngay bên ngoài, người mua có thể chứng kiến đủ mọi công đoạn ra đời của một cái bánh. Mấy ông thợ làm bánh khoác tạp dề, đội mũ vải trắng nhào, trộn, vỗ khuôn chan chát…. Người ta cứ làm, mình cứ xem, không ai chào mời. Đó cũng là cái tử tế của các nhà buôn thời ấy. Rất cần khách hàng, nhưng vẫn giữ tự trọng, không khúm núm, xun xoe mời chào. Xem một lúc lại đi hàng khác. Khi nào chán rồi, mỏi chân rồi, thì mua một hộp, hai hộp. Mua bao nhiêu cũng được, mua nhiềuthì được rẻ hơn. Chỉ có từ sau 1960, chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội nên mới không có xà phòng mà giặt, phải dùng chất tẩy mà người ta gọi là xà phòng nước, bánh trung thu cho trẻ con mà phải cắt từng cái làm hai ba phần chia nhau.

Ông tuyên giáo tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Thế ạ?

- Chắc vì anh ở Thái Bình nên không biết. Tôi xin “tiết lộ” với anh cái sự thật ấy. Ta bây giờ nếu có vui thì là vui vì cuộc sống của chúng ta đã được trở về với những quy luật vốn có. Có “mới” gì mà “đổi”, phải không anh? Còn biết ơn thì lại càng không. Chẳng lẽ cái anh nó bóp cổ mình cho đến khi sắp tắc thở mới buông ra, mình lại phải biết ơn?

Sau lần ấy, cứ mỗi khi đến buổi nghe báo cáo thời sự, tôi lại được thủ trưởng giao cho một công việc gì đấy để không phải tới nghe. May quá!

II.

Mấy năm nay, in-tec-net có ở khắp nơi, các trang web ngoài luồng phát triển tới mức không kiểm soát nổi, lại thêm cái anh Phây-xờ-búc ngày càng bung ra, khiến các vị tuyên huấn xoay như chong chóng không chống đỡ kịp những lập luận thuyết phục, những sự thật vốn được giấu kín nay được phơi bày. Thế là mấy chục nghìn các DLV ra đời. Có mặt các DLV này, dư luận trên mạng thêm rộng đường, người nói phải, người nói trái, anh nói ngược, chị nói xuôi, phân tích, chứng minh, lý giải… khiến người nghe càng có điều kiện phán xét để rồi tin vào một ý kiến nào đó, thoát khỏi tình trạng “như vịt nghe sấm” hay định hướng một chiều. Để cho các cuộc tranh luận, thảo luận lành mạnh, bổ ích, tôi xin đề nghị các bạn DLV:

Xin các bạn có tên thật. Nhân vật chèo xưa, mỗi khi bước ra sân khấu đều hỏi: “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?” Hỏi thế thôi, chứ chỉ chờ nghe tiếng đế trong hậu trường “không xưng danh thì ai biết là ai!” là tên tuổi, thậm chí quê hương bản quán được công khai. Tôi để ý thấy tất cả các bạn chẳng ai có cái tên thật, cái ảnh đại diện cũng không. Chẳng lẽ các bạn tự nhận mình là người không chính diện (tức là “phản diện”)? Chỉ riêng điều này, các bạn đã tỏ ra không chính danh rồi. Mà “danh bất chính thì ngôn bất thuận”. Làm sao thảo luận được với người không chính danh, làm thế là tự hạ thấp bản thân mình.

Thậm chí, cái không chính danh của các bạn còn khiến người ta nghĩ đến hành động “ném đá giấu tay”. Hay là các bạn cũng chưa đủ tự tin vào những điều mình nói, thậm chí còn thấy hổ thẹn vì những điều ấy nên không dám “xưng danh”? Cho nên thái độ của tôi cũng như của nhiều người thường là coi như không thấy gì mỗi khi đọc ý kiến của những người không chính danh.

Lập luận của các bạn đều cũ rích. Với ý kiến nào cũng chỉ có bấy nhiêu lý lẽ. Trên FB tuần qua đã có một chàng trai thống kê những lập luận quen thuộc đến nhàm chán của các DLV, tôi không nhắc lại để khỏi làm mất thời gian của mọi người. Hình như các bạn phải đợi khi nào có đợt tập huấn mới có một chút mới mẻ do cấp trên “gà” cho. Nhưng cũng chỉ mới mẻ được vài hôm thôi. Cuộc sống luôn luôn vận động sao chỉ với những lập luận xói mòn ấy có thể bác bỏ được biết bao những câu chuyện, lý lẽ, phản bác đầy sức thuyết phục?

Muốn cho cuộc tranh luận thêm hấp dẫn, nói đúng hơn là để ý kiến còn có người đọc, xin đề nghị các bạn chịu khó học hỏi thêm. Cái khi học ở trường, muốn lên lớp, có thể chỉ cần bỏ ra ít tiền cho vào cái phong bì là xong. Nhưng cuộc sống phức tạp hơn nhiều lần khi đi học. Không học, không làm ăn gì được đâu. Nhất là lại làm người chuyên tranh luận, làm việc bây giờ lại có lương, có thưởng. Mà lại tranh luận với một số lượng người khổng lồ, trong đó không ít người “thông kim bác cổ”, tuổi đời có khi đáng tuổi, cha tuổi ông các bạn. Quả là chẳng dễ dàng gì!

Để không khí bàn luận tránh bị ô nhiễm, giữ được sự trong sạch cần thiết, đề nghị các vị (giờ thì tôi không thể gọi “các bạn” được nữa) nói năng sao cho có văn hóa. Các vị nói tục nhiều quá, văng bậy nhiều quá. Xem những dòng chữ của các vị, tôi hình dung ra mấy anh thanh niên, tóc nhuộm xanh đỏ, cổ đeo cái dây xích to tướng, ngực áo phanh rộng, khuôn mặt bạc đi vì thiếu ngủ, rít thuốc liên tục,bên cạnh cái gạt tàn đầy những đầu mẩu thuốc lá, ngồi trước máy vi tính chăm chú với các màn súng nổ, gươm đâm…thỉnh thoảng lại hét lên, lại văng ra những lời tục tĩu để giải tỏa sự bức xúc vì thua cuộc. Hình như các vị thấy thua kém về lý lẽ, bèn đem cơ quan sinh dục của cả hai giới thay cho cái trí não ít học, lười học. Vẫn biết chúng đều là những bộ phận trong cơ thể con người cả, bộ phận nào cũng quan trọng, không thể thiếu, nhưng cái nào có việc của cái ấy. Nhiều lần, tôi đã nhắc nhở các vị “nói năng sao cho lịch sự”, hay “cần chứng tỏ mình là người có giáo dục”. Nhưng hình như các vị không phải là những người như thế nên văng tục chửi bậy là ngôn ngữ thường thấy trong các comment của các vị. Nghe như lời ăn tiếng nói của những kẻ chuyên hành nghề “đâm thuê chém mướn”. Hay các vị đang hành nghề này bằng bàn phím? Chẳng hiểu các bậc sinh thành ra các vị, vợ con các vị mỗi khi đọc được những dòng ấy họ sẽ nghĩ gì về công lao dưỡng dục ngần ấy năm trời, nghĩ gì về cái người mà hàng ngày họ vẫn “đầu gối tay ấp”, nghĩ gì về người bố, người mẹ của mình? Cũng có thể đây chính là lý do để các vị không dám chính danh?
Vài lời đề nghị, chỉ muốn những cuộc trao đổi thú vị hơn.
Nguồn: Blog Ông giáo làng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!