Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Chuyện về phụ huynh* của một lính Trỗi

TƯỚNG CAO VĂN KHÁNH – CHUYỆN BUỒN ĐỔ CẢ XUỐNG SÔNG 
Trên nghĩa trang đồi Bất Bạt, Yên Kỳ lộng gió, ngôi mộ của Trung tướng Cao Văn Khánh nằm bình yên và giản dị bên cạnh người con trai thân yêu và những đồng đội của ông. Trên bia mộ chỉ ghi một dòng giản dị, tướng Cao Văn Khánh, ngày sinh, ngày mất và quê quán. Không thêm một dòng chức tước…
Bà Ngọc Toản nói, vì bà hiểu tâm nguyện của ông, con người sinh ra từ đất và khi chết, con người ấy cũng muốn được trở về với đất. Giản dị vậy thôi. Dù vị tướng ấy, đã từng là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
Gia đình tướng Cao Văn Khánh trước ngày ông mất 6 tuần
1. Nhà văn hóa Hữu Ngọc, người bạn dạy học cùng thời ở Huế với tướng Cao Văn Khánh đã viết về ông, với một niềm kính trọng: “Anh luôn chỉ nhận mình là một công dân, giặc đến thì đánh. Sau chiến tranh, mong được trở lại cuộc sống đời thường mà thôi”.
Trong ngôi nhà tập thể cũ ở phố Trần Thánh Tông, Hà Nội, người bạn đời của Trung tướng Cao Văn Khánh, bác sĩ Ngọc Toản vẫn đang cần mẫn làm việc. Căn phòng của bà treo đầy những bức ảnh thời chiến trận của ông, ở Điện Biên Phủ, Mặt trận đường 9 - Nam Lào. Rồi Tây Nguyên, và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là những khoảnh khắc lịch sử khi tướng Cao Văn Khánh đang bàn chiến lược với tướng Vương Thừa Vũ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lẽ, chỉ cần chừng ấy thôi, cũng đã đủ nói lên một phần nào cuộc đời của vị tướng chiến lược này...ĐỌC TIẾP
* Cụ thân sinh Cao Quý Vũ B2 K8. Vũ đã mất sau một tai nạn trong một lần trên đường lên Đại học kỹ thuật quân sự năm 1975. 

Trong căn nhà nhỏ ấy, bà Ngọc Toản, người bạn đời chung thủy của ông, đã kể cho tôi nghe về một cuộc đời trận mạc, về một nhân cách lớn trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Giọng bà run run xúc động.
Đó là những ngày cuối cùng của Trung tướng Cao Văn Khánh khi ông từ chiến trường trở ra năm 1974, cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Sức khỏe của ông bắt đầu có vấn đề. Bà Ngọc Toản vẫn ngờ ngợ về bệnh gan, nhưng lúc đó chưa biết về thủ phạm giấu mặt là chất độc da cam. Năm 1975, đất nước vừa giải phóng. Trung tướng Cao Văn Khánh lại phải gánh chịu nỗi đau mất người con trai đầu, mới chỉ 19 tuổi, do một tai nạn. Ông đau đớn nuốt nước mắt vào trong. Lần đó ông suy sụp lắm.
Bà Ngọc Toản bảo, ông bị stress triền miên. Sức khỏe suy giảm dần. Năm 1977, khi được cấp trên cho đi học ở nước ngoài, bà đã nhờ giáo sư Tôn Thất Tùng khám cho chồng. Giáo sư khẳng định, gan của anh Khánh chưa có vấn đề gì, sức khỏe sa sút có lẽ do lâu ngày bị sốt rét. Lần đó, bà đã đi tu nghiệp ở Pháp 14 tháng, nhưng vẫn canh cánh một nỗi lo cho sức khỏe của ông. Bà vẫn mua thuốc bổ gan từ Pháp gửi về, nhắc ông uống từng ngày. Bà bảo, ông thường giấu những cơn đau, vì không muốn vợ con lo lắng. Và luôn ủng hộ bà Ngọc Toản trên con đường khoa học của mình.
Lần đó, khi bà đi công tác về, thì bệnh của ông đã nặng. Trung tướng Cao Văn Khánh đã nhiễm chất độc da cam trong những chuyến hành quân xuyên rừng năm 1967. Những đồng đội cùng hành quân năm đó, nay cũng không còn. Căn bệnh tích tụ hơn 13 năm mới phát. Khi đó ông đang là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên bàn làm việc của ông vẫn còn những kế hoạch dang dở  chỉ đạo chiến tranh biên giới năm 1979…
Bà Ngọc Toản nhớ lại, những cơn đau đớn vật vã của ông ngắn ngủi trong 6 tuần. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã ra sức cứu chữa, nhưng căn bệnh quái ác tiến triển quá nhanh. Bà Ngọc Toản kể: “Tôi và anh Khánh có những linh cảm giống nhau. Chúng tôi hiểu nhau nhưng ai cũng kìm nén không muốn nói cho nhau biết. Ông nói với bạn bè, Toản khổ nhiều, chúng tôi lấy nhau nhưng chưa có nhiều thời gian bên nhau. Tôi đi chiến trường biền biệt suốt hai cuộc kháng chiến. Toản một mình ở nhà vừa lo công việc chuyên môn, vừa chăm sóc con cái. Những năm chiến tranh, tản cư, phải sơ tán, tôi chẳng giúp được gì cho Toản. Thế mà, Toản vẫn chu toàn mọi việc. Các con tôi đều khỏe mạnh, học giỏi”.
Bà Ngọc Toản không bao giờ quên được những ký ức buồn đó. Khi con người đã đi qua những trận chiến khốc liệt nhất, lại phải gánh lấy một cái chết đau đớn trong thời bình. Bà còn nhớ, lần đầu tiên bà nhìn thấy ông khóc, hai hàng nước mắt chảy dài từ hai gò má gầy tóp của ông, khi ông cố rướn mình ôm lấy đứa con trai thứ hai vừa từ Liên Xô trở về trong khoảnh khắc cuối đời… Nhưng rồi sau này, người con trai đó cũng đi theo ông, khi mang trong mình di chứng của chất độc da cam từ bố…
2. Trung tướng Cao Văn Khánh sinh ra trong một gia đình trí thức ở Huế. Bố ông cũng là một cụ đồ nho nghèo, không hợp tác với triều đình nhà Nguyễn mà làm nghề gõ đầu trẻ. Cao Văn Khánh từng ra Hà Nội học tú tài và tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội. Ông thuộc thế hệ 1945 của Việt Nam, một thế hệ những trí thức do trường Tây, ít nhất là hai trường Pháp - Việt đào tạo, rồi tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Học xong Trường Luật, Cao Văn Khánh không hợp tác với Pháp mà về dạy trung học tư thục Lyceum Việt Anh. Sau đó, ông bỏ ra dạy ở Trường tư thục Hồng Đức cùng ông Hữu Ngọc. Rồi tham gia phong trào hướng đạo ở Huế và sau đó đi theo kháng chiến. Ông là người Khu trưởng duy nhất chưa vào Đảng.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc kể, ông từng tâm sự: “Trước 1945, mình không tham gia chính trị vì còn phải ở Huế chăm sóc mẹ già. Đảng thành công, mình chưa muốn vào vì chưa có đóng góp gì… Mình chỉ muốn là một công dân tốt. Tổ quốc cần đi đánh giặc. Xong lại về dạy học. Thế là mãn nguyện”.
Bà Ngọc Toản kể, có lần ông tâm sự: “Nếu vào Đảng thì đã vào từ dạo anh Đào Duy Kỳ đưa tài liệu về Đảng và mình muốn tham gia những năm 34, 35. Nhưng lúc ấy mình chưa rõ lý do phải vào Đảng, khi ấy mình là một trí thức tự do, yêu nước và hoạt động theo cách của mình mà mình tự thấy là đúng đắn như công việc dạy học của mình lúc đó. Hơn nữa, chưa thể bay nhảy vì còn phải chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già”. Thế mà, nhiều người cho ông có tư tưởng “gàn dở”, “chậm giác ngộ”(?!). Nhưng đó là phẩm chất điển hình của một trí thức mà giáo sư Tương Lai cho rằng, đó là lòng tự trọng.
Trong hoạt động thanh niên tiền tuyến ở Huế, ông lại thuộc về những người Nam tiến đầu tiên, một người thầy giáo dấn thân vào lửa đạn, rồi từ đó có mặt trên khắp các chiến trường ác liệt nhất, từ khi chưa là đảng viên, cũng như khi đã gia nhập Đảng. Điều đó, cũng đủ cho chúng ta hiểu, tư tưởng cũng như nhân cách cao đẹp của một trí thức tham gia chiến trận như ông. Ông luôn có mặt ở tuyến đầu (mặc dù đến năm 1974 ông mới được gọi là tướng), trong gần 30 năm, ông chỉ huy những trận đánh ác liệt nhất và đem lại những chiến thắng mang tính chiến lược: Sông Thao (1949), Biên giới (1950), Điện Biên Phủ (1954), Khe Sanh (1968), Đường 9 (1971), Tây Nguyên (1972-1974).
Cùng với tướng Lê Trọng Tấn, tướng Cao Văn Khánh được coi là những vị tướng có tầm chiến lược. Ông trở thành trợ thủ đắc lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về ông: “Đồng chí Cao Văn Khánh là một trí thức yêu nước, tham gia Cách mạng tháng Tám từ năm 1945. Anh là một cán bộ quân đội chỉ huy Đại đoàn 308, đánh những trận lớn trong kháng chiến chống Pháp, từng là Tư lệnh B.70, trong kháng chiến chống Mỹ. Một người hăng hái, trung thực, có nhiều kinh nghiệm hợp đồng binh chủng, được bộ đội tin yêu”.
Gần 30 tuổi, ông vẫn độc thân. Mải đi đánh trận đến quên cả chuyện riêng tư. Nhưng cuộc gặp gỡ với bác sĩ Ngọc Toản đã làm thay đổi cuộc đời ông. Một đám cưới lãng mạn giữa lòng chảo Điện Biên Phủ sau chiến thắng 2 tuần trở thành một biểu tượng đẹp của tình yêu thời chiến. Nhưng có lẽ đó là đỉnh cao hạnh phúc của đời ông. Hơn 30 năm lấy nhau, thời gian ông bà sống bên nhau chỉ đếm chưa hết trên đầu ngón tay.
Nhưng đối với một vị tướng như Cao Văn Khánh, thì hậu phương, người vợ và những đứa con, luôn là chỗ dựa vững chắc cho ông ra đi đánh giặc. Trong những thời khắc giữa hai trận đánh ác liệt, ông vẫn dành thời gian viết thư cho vợ và ghi nhật ký. Bà Ngọc Toản trân trọng những kỷ vật đã bạc màu đó, như một báu vật của mình. Bởi ở đó, có tình yêu, một góc rất đỗi đời thường của ông và bà.  Và ở đó, còn có cả tâm thế của một vị tướng.
“Ngày 4 tháng 7 năm 1968. Được tin anh Song Hào gọi điện về Hà Nội tổng kết nhận nhiệm vụ mới. Thế là đạt nguyện vọng tổng kết một chiến dịch lớn do mình phụ trách. Về nguyện vọng riêng là được gặp em và các con. Không biết em đã biết tin này chưa. Chiều hôm nay lại nghe H3 báo tin có gói quà em gửi vào. Đã điện H3 sẽ về lấy. Ngày về chưa định vì còn muốn ở lại đến khi địch hoàn toàn rút khỏi Khe Sanh, hoàn thành một chiến dịch có nhiều kinh nghiệm mới”.
“Ngày 5 tháng 7 năm 1968. Được tin báo chiến thắng liên tiếp. Phấn khởi quá, càng phấn khởi khi nghe tin địch bốc số quân còn lại và ta đang đánh quyết liệt. Chỉ thị cho đơn vị xong, ra võng ngồi hóng mát và tất nhiên nghĩ đến em. Hôm nay bớt sốt, người nhẹ. Trời chiều nay mát quá. Tối nay sau khi làm việc xong về lán nằm nghe đài. Đài báo tin về phụ nữ 108, trong đó có nói đến em. Phấn khởi quá. Nghe đến tin đồng chí Ngọc Toản trao đổi với phóng viên thì chợt có điện thoại gọi. Tưởng là tin gì. Ai ngờ anh Đỗ gọi cho biết, mở đài mà nghe tin chị Toản… Tối nay trăng rất đẹp. Đài luôn báo tin chiến thắng Khe Sanh. Tối nay chắc là mơ thấy em đây”.
“Ngày 9 tháng 7: 22h: Đài vừa phát xong Bản thông báo của Bộ Chỉ huy Mặt trận đường 9 - Khe Sanh. Vinh dự xiết bao. Em ơi, làm chiến sĩ giải phóng đã là vinh dự, làm chiến sĩ Khe Sanh càng vinh dự thêm. Chắc giờ phút này em của anh ở nhà cũng vui mừng phấn khởi với anh với người thân nhất của mình đã đóng góp vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Anh cũng rất sung sướng nghĩ về em - em đã đóng góp phần xứng đáng của mình vào chiến thắng oanh liệt Khe Sanh. Em đã động viên anh rất nhiều trong suốt 6 tháng nay…”.
Giờ thì ông đã nằm yên nghỉ ở nghĩa trang Yên Kỳ, vùng đất xưa nơi ông từng chỉ huy đánh trận. Thanh thản nằm lại giữa sông nước mây trời. Tổ chức đề nghị đưa ông về nơi đúng tiêu chuẩn của một Phó Tổng Tham mưu trưởng, ở nghĩa trang Mai Dịch, nhưng bà Ngọc Toản đã ý nhị từ chối…
Việt Linh
* Cụ thân sinh Cao Quý Vũ B2 K8. Vũ đã mất sau một tai nạn trong một lần trên đường lên Đại học kỹ thuật quân sự năm 1975.

14 nhận xét:

  1. "...khi ông cố rướn mình ôm lấy đứa con trai thứ hai vừa từ Liên Xô trở về trong khoảnh khắc cuối đời… Nhưng rồi sau này, người con trai đó cũng đi theo ông, khi mang trong mình di chứng của chất độc da cam từ bố…"
    Chi tiết này có lẽ tác giả đã nhầm, vì Cao Quý Vũ là con trai cả, con trai thứ hai là Cao Quý Bảo vốn là phi công, hiện vẫn còn, người con gái duy nhất là em Vân (kề dưới Bảo, là thứ 3). Người con trai thứ 3 (con út trong gia đình) trong ảnh mới là người "đi theo" tướng Cao Văn Khánh.
    XEM THÊM Ở ĐÂY

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài này thêm nhớ chú Khánh và Cao Quý Vũ. Năm ngoái, sau chuyến đi Tây Bắc về, xe chúng tôi tạt qua nghĩa trang Yên Kỳ. Có tạt qua thăm mộ chú Khánh. Nghe nói, chú bảo về nghỉ ở đây để được gần con trai.
    Còn Vũ năm 1976 có lên Đại học KTQS dự khóa, ôn thi. Trong chuyến đi tranh thủ HN lên đã bị tai nạn, thành cầu gạt Vũ xuống con sông nhỏ trước khi vào ga Hương Canh. Anh em Trỗi ở trường có lên Viện 109 tiễn Vũ. Sau đó hình như chuyển Vũ về Yên Kỳ.

    Trả lờiXóa
  3. Cao Quý Bảo học Học viên Hàng không Giu-cốp-xki, Mat-xcơ-va.

    Trả lờiXóa
  4. Năm ngoái Bùi Việt Sơn K8 cũng đã lên thăm Vũ trên Yên kỳ.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi không hiểu TG nói gia đình bà Toản ở khu TT Trần thánh Tông ?
    Theo tôi biết thì GD bà Toản ở khu Trần Phú kia.
    Khu nhà 2 tầng lầu, to đùng đoàng,năm 1983 tôi đã đến sửa chữa tủ lạnh cho GD nhưng khg biết là nhà dân Trỗi.
    Ông Khánh không là ĐV nhưng mà công lao thành tích của ông còn gấp ngàn lần các ĐV khác.
    Một người lính xông pha trận mạc, hết lòng vì nước, vì dân không thể so sánh với một tay ĐV nào đó chuyên đục khoét, tham nhũng được, mà những tay CB to, lãnh đạo đã ra tòa, thử hỏi có ai không Đ V không ?
    Công dân Cao Văn Khánh muôn năm!
    người tốt như Ông hay chết quá!

    Trả lờiXóa
  6. Bác Thắng K5 nói đúng . Tướng CVKhánh ở Trần Phú trong một căn biệt thự . Ở khu TT Trần thánh Tông là chưa chính xác . Cao quý Vũ trước khi về trường ĐHKTQS cũng học ở Trường VHQĐLS . K6LS .

    Trả lờiXóa
  7. @ bác Thắng K5 và K6LS:
    Tác giả viết hiện cô Toản đang ở khu tập thể viện 108 tại phố Trần Thánh Tông là đúng đấy, cách đây hơn năm tôi có gặp cô Toản ở đó và sau đó gặp Cao Quý Bảo trong một lần đi viếng một phụ huynh Trỗi, Bảo cũng nhắc lại như vậy. Còn lý do tại sao cô Toản ko ở Trần Phú nữa thì tôi chịu.
    Vốn cùng "quân khu" 108 với Vũ mà :).
    Tôi còn nhớ lúc nhỏ được biết vụ án gián điệp C47 năm 1963, chánh án xét xử vụ đó, lúc đó là đại tá Cao Văn Khánh.
    Trung tướng Cao Văn Khánh còn là em ruột đại tướng Cao Văn Viên Tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH.

    Trả lờiXóa
  8. Trung tướng Cao Văn Khánh (1917-1980) còn Đại tướng Cao Văn Viên (1921-2008)thì nếu theo năm sinh thì ông Cao Văn Khánh phải là anh.
    Nhưng tôi nghĩ hơi khó là anh em ruột, vì tướng Cao Văn Khánh sanh ra và lớn lên ở Huế còn tướng Cao Văn Viên sanh ra ở Lào.

    Trả lờiXóa
  9. Nhưng Tướng Khánh và tướng Viên đề nói giọng Huế

    Trả lờiXóa
  10. Chắc có nhầm lẫn gì đây. Tướng Khánh là người HUẾ còn tướng Viên là người Bắc. Chắc trùng họ và lót thôi. Cũng như ở VN Nguyễn Thị..... đều là bà con sao?

    Trả lờiXóa
  11. Đính chính nhận xét 22:33 Ngày 10 tháng 4 năm 2012:
    Câu "Trung tướng Cao Văn Khánh còn là em ruột đại tướng Cao Văn Viên Tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH" thành là:
    Nghe nói "Trung tướng Cao Văn Khánh còn là em ruột đại tướng Cao Văn Viên Tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH. không biết có phải hay không?

    Trả lờiXóa
  12. Hi!Tôi là công dân phố Lý Nam Đế (cuối phố) nên nhà Bác CVK ở Trần Phú là chính xác.Sau này chuyển về đâu thì tôi không biết.
    Khi sang LX để đưa cụ thân sinh về,cả hai đứa Vịnh và Bảo đều ghé thăm tôi.Khi tâm sự hai đứa đều nói nhất định tụi em sẽ nối tiếp theo con đường của các Cụ.Giờ chỉ có một đứa(Vịnh) thành công thì phải.

    Trả lờiXóa
  13. Tướng Cao văn Khánh là anh tướng Viên là chính xác!Vì khi học trên trường VHLS tôi và Cao quý Vũ học cùng lớp.Hai đứa hay đi chơi với nhau.Vũ hay kể trận đường 9 Nam Lào ,tướng Viên lên đài kêu gọi anh là tướng Khánh hạ vũ khí đầu hàng.Còn nhà Vũ trước kia là ở khu TT viện 108 phía cổng phố Trần thánh Tông.Sau này mới về khu Trần Phú.

    Trả lờiXóa
  14. Nha Kao Quy Vu nhu cac ban noi la dung, nhung khi, cong con mat, me Vu tra nha o Tran Phu ve o khu TT Vien 108. Ong Cao Van Vien va bac Cao Van Khanh khong he co quan he ho hang gi ca... Kao Quy Vu mat ngay 28/9/1975, do tai nan tai cau Huong Canh tren duong tra phep vao K10-BBTY, duoc chon cat tai nghia trang Yen Ky; Sau khi bac Khanh mat gia dinh chon bac tai nghia trang cung voi Vu de tien vieng tham. Kao Quy Vu la con ca va co cac em la Bao, Van & Cao Quy Anh la cau em ut mat cach day vai nam do ung thu gan... Kao Quy Vu rat thich viet ho Cao thanh Kao chu khong phai do toi viet sai !
    Thang Binh

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!