Đọc trên trang "Bán giời K5", bác Tt có giới thiệu bài Để nghe và yêu được nhạc cổ điển và đây nữa cộng thêm được minh họa bằng clip trình diễn trích đoạn bản Giao hưởng số 9 của Beethoven. Tiện thể đọc được trên "Nhaccodien.info" bài giới thiệu về bản giao hưởng này của tác giả Ngọc Anh.
Cuối tuần thử "tra tấn" các bác bằng bản giao hưởng số 9, đầy đủ cả 4 chương để xem khi nghe nhạc cổ điển các bác biết là "mệt" đến thế nào.
Giao hưởng No. 9 giọng Rê thứ “Hợp xướng”, Op. 125
Tác giả: Ludwig van Beethoven
Công diễn lần đầu: ngày 7/5/1824 tại Kärntnertortheater ở Vienna (cùng với overture Die Weihe des Hauses và 3 phần đầu của Missa solemnis) doIgnaz Umlauf và tác giả chỉ huy.
Độ dài: khoảng từ 65 đến 75 phút
Tổng phổ: piccolo (chương IV), 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet in A, B flat & C, 2 bassoon, contrabassoon (chương IV), 2 horn (1 & 2) in D & B flat, 2 horn (3 & 4) in B flat (bass), B flat & E flat, 2 trumpet in D & B flat, 3 trombone (alto, tenor & bass, chương II & IV), timpani, triangle (chương IV), cymbal (chương IV), bass drum (chương IV) và bộ dây.
Các bè thanh nhạc gồm : soprano solo, alto solo, tenor solo, baritone solo và dàn hợp xướng 4 bè (soprano, alto, tenor [chia thành Tenor I and Tenor II] và bass).
Tác phẩm gồm 4 chương:
I- Allegro ma non troppe, un pocoomaestoso (không nhanh quá mức, thêm phần trang trọng).
II- Molto vivace.
III- Adagio molto e cantabile (chậm rãi và du dương).
Hoàn cảnh sáng tác:
Hiệp hội London (The Society of London - sau này là Royal Philharmonic Society) đặt hàng bản giao hưởng vào năm 1817. Beethoven bắt đầu làm việc với bản giao hưởng cuối cùng vào năm 1818 và kết thúc vào đầu năm 1824. Khoảng 10 năm sau bản giao hưởng số 8. Tuy nhiên, Beethoven bắt đầu sáng tác tác phẩm này sớm hớn. Ông đã muốn đặt An die Freude vào nhạc rất sớm từ năm 1793. Ông đã làm điều đó, nhưng thật không may tác phẩm này bị mất vĩnh viễn. Từ chủ đề cho chương scherzo có thể lần ngược về bản fugue được viết vào năm 1815.
Phần phân tích tác phẩm
Phần phân tích tác phẩm
Ngọc Anh (nhaccodien.info) tổng hợp
Vào ngày 7/5/1824, Ludwig van Beethoven đã nếm trải thắng lợi chắc chắn là vang dội nhất của mình trước công chúng. Khán thính giả nhà hát Kärntnertor tại Vienna không chỉ được nghe Overture Die Weihe des Hauses Op. 124 và 3 phần của Missa Solemnis Op. 123 mà đây còn là buổi công diễn lần đầu bản giao hưởng hợp xướng bất hủ của Beethoven. Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ, Op. 125 bắt nguồn từ hai tác phẩm riêng biệt - một bản giao hưởng với chương kết có hợp xướng và một tác phẩm khí nhạc thuần túy giọng Rê thứ. Beethoven đã làm việc với chúng trong gần 10 năm trước khi quyết định kết hợp hai ý tưởng lại thành một bản giao hưởng với lời thơ An die Freude (Tụng ca niềm vui) của Schiller như là chương kết.
Giao hưởng số 9 của Beethoven là một tác phẩm quy mô và có tầm nhìn xa trông rộng, là biểu trưng cho tột đỉnh của độ khó kỹ thuật vào thời đó. Tác phẩm có các đoạn, nhất là đoạn solo kèn co trong chương chậm, dường như không thể chơi được trên các nhạc cụ đồng không có van truyền thống vào thời của Beethoven. Nhà âm nhạc học Dennis Matthews nhận xét về Giao hưởng số 9 của Beethoven: “Như với các tác phẩm thời kỳ cuối, có các chỗ mà không gian phải rung lên dưới sức nặng của tư tưởng và tình cảm, nơi mà nhà soạn nhạc khiếm thính dường như chiến đấu chống lại hoặc vươn ra ngoài các giới hạn của nhạc cụ và giọng ca.”
Bản giao hưởng bất hủ này cũng là hiện thân của tính nhị nguyên trong âm nhạc đã trở thành cuộc xung đột ở thế kỉ XIX giữa chủ nghĩa Cổ điển và chủ nghĩa Lãng mạn, giữa cái cũ và cái mới. Các phong cách hoàn toàn khác nhau, như phong cách của Brahms và của Liszt, đều tìm thấy các tiền lệ của chúng trong tác phẩm này. Ba chương đầu của tác phẩm rõ ràng vẫn còn cắm rễ vào thế kỉ XVIII trong khi chương thứ tư – hân hoan và thấm nhuần ý nghĩa thi ca - dường như đập tan khuôn vàng thước ngọc của chủ nghĩa Cổ điển, đưa toàn bộ tác phẩm vào trong lãnh địa của âm nhạc chương trình, một khái niệm được xác nhận của chủ nghĩa Lãng mạn thế kỉ XIX. Chẳng thế mà trong cuộc luận chiến âm nhạc thế kỉ XIX giữa phe ủng hộ âm nhạc chương trình và phe ủng hộ âm nhạc tuyệt đối (còn gọi là âm nhạc thuần túy), chương hợp xướng trong Giao hưởng số 9 của Beethoven được cả hai phe đem ra làm bằng chứng cho luận cứ của mình. Những nhà chủ nghĩa hình thức cự tuyệt các thể loại như opera, ca khúc nghệ thuật, thơ giao hưởng vì chúng bộc lộ ý nghĩa rõ ràng. Với họ, chương nhạc này cũng như Giao hưởng số 6 của Beethoven là “có vấn đề” mặc dù họ vẫn coi Beethoven là một trong những nhà tiên phong của âm nhạc thuần túy (đặc biệt là với các bản tứ tấu đàn dây thời kỳ cuối). Còn ở phe ủng hộ âm nhạc chương trình, Richard Wagner coi chương hợp xướng trong bản Giao hưởng số 9của Beethoven là một minh chứng cho thấy âm nhạc sẽ hay hơn nếu có lời ca bằng câu nói nổi tiếng: “Nơi âm nhạc không thể đi xa hơn nữa, thì lời ca sẽ tới… Lời ca đứng cao hơn tiếng nhạc.”
Bài thơ An die Freude, được thi hào Đức Friedrich von Schiller viết năm 1785, ngợi ca lý tưởng hòa hợp và tình huynh đề của toàn nhân loại. Một số nhà soạn nhạc đã phổ nhạc bài thơ này trong đó có Franz Schubert (soạn năm 1815, xuất bản năm 1829). Beethoven cũng đã ấp ủ dự định phổ nhạc bài thơ này trong nhiều năm. Khi sáng tác chương 4 của Giao hưởng số 9 Beethoven đã phải trăn trở rất nhiều để tìm cách bắt vào phần mở đầu đoạn tụng ca của Schiller. Ông viết đi viết lại đoạn đó nhiều lần cho đến khi nó thành hình dáng như chúng ta nghe thấy ngày hôm nay. Người ta kể lại rằng mặc dù người chỉ huy chính thức của buổi hòa nhạc lịch sử ngày 7/5/1824 là Michael Umlauf – giám đốc âm nhạc của nhà hát Kärntnertor - nhưng Beethoven đã cùng chỉ huy với Umlauf. Do chứng kiến Beethoven thất bại trong việc chỉ huy buổi tổng duyệt vở opera Fidelio hai năm về trước nên ở buổi này Umlauf đã chỉ thị cho các nhạc công và ca sĩ lờ đi “sự chỉ huy” của nhà soạn nhạc đã hoàn toàn khiếm thính. Giao hưởng số 9 được các nhạc công kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội của khán thính giả khi mà Beethoven vẫn đang chỉ huy một vài ô nhịp nữa trong tổng phổ. Vì thế ca sĩ giọng nữ trầm Caroline Unger phải bước tới bên Beethoven và xoay người ông lại để ông có thể nhìn thấy khán thính giả đang tung hô mình. Công chúng thành Vienna đã đón nhận vị anh hùng với lòng tôn kính và cảm phục sâu sắc nhất.
Phân tích:
Giao hưởng số 9 của Beethoven thuộc vào số ít tác phẩm của nền nghệ thuật thế giới, như những đỉnh núi cao nhất, trội hơn tất cả những gì mà những thiên tài nghệ thuật của nhân loại tạo nên. Cũng như những bài thơ của Homerk "Thần khúc" (Divina commedia) của Dante, tranh Đức mẹ của Raphael, "Faust" của Goethe hoặc khúc Messe (Die hohe Messe) của Bach, giao hưởng số 9, là con đẻ của thời đại của mình, đồng thời là sự thể hiện những lý tưởng và hoài bão của loài người. Nhạc sĩ hoàn thành bản giao hưởng vào cuối đời nhưng đã nghiền ngẫm trong suốt cuộc đời mình. Hồi còn trẻ, say sưa với những tư tưởng của cuộc Cách mạng Pháp, Beethoven tìm tòi thể hiện âm nhạc bài thơ ca ngợi (Ode) "Hướng tới niềm vui" (Ode to Joy) của Schiller, mà ông đã lấy lời thơ ấy viết màn hợp xướng chương cuối của giao hưởng số 9. Những tư tưởng về tình hữu ái nhân loại, về tự do được đưa vào giao hưởng đã thôi thúc ông mãi trên suốt cả con đường sáng tác. Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề âm nhạc của chương cuối nảy sinh trước khi có bản giao hưởng, và có thể tìm thấy trong các tác phẩm khác của Beethoven không ít những hình ảnh tương tự với chủ đề ấy. Nói một cách khác, giao hưởng số 9 - là sự tổng kết những tìm tòi tư tưởng nghệ thuật của nhạc sĩ.
Bản giao hưởng được xây dựng trong thời gian mà thời kỳ cách mạng Pháp đã đi vào dĩ vãng, và thế lực phản động đang ngự trị ở Châu Âu. Những hy vọng đã đổi thành thất vọng. Trong nghệ thuật đã nảy sinh một trào lưu mới - chủ nghĩa lãng mạn, thể hiện những tâm trạng mới. Công trạng của người nghệ sĩ ca ngợi Trí tuệ, Tự do, Niềm tin trong thời kỳ đen tối ấy ấy càng có ý nghĩa lớn. Giao hưởng số 9 - một bản tuyên ngôn âm nhạc của thế kỷ 19, như Lenin nói: "tiến hành dưới khẩu hiệu của cuộc cách mạng Pháp".
Giao hưởng số 9 - tác phẩm cải cách sâu sắc. Lần đầu tiên lời hát được đưa vào giao hưởng. Thủ pháp táo bạo ấy rất cần thiết đối với Beethoven. Sự phát triển của tư tưởng của bản giao hưởng đã gợi ý việc đưa lời hát vào như tiếng nói của nhân loại, tính cụ thể của lời ca cần cho việc diễn đạt kết luận tư tưởng chủ yếu của quang điểm triết học to lớn. Nhưng cái đó không hạn chế cái mới của Beethoven. Ông đổi vị trí của Scherzo và Adagio, viết những đoạn ngoài cùng của chương Scherzo theo hình hình thức sonata allegro. Thiên tài Beethoven đã đạt đến độ trưởng thành tột bực trong giao hưởng số 9. Bản giao hưởng gây xúc động mạnh bởi tính bi kịch của những nỗi đau khổ của nhân loại, cuộc đấu tranh tư tưởng lớn lao, tư tưởng cao cả, nguồn cảm hứng của chủ nghĩa nhân văn tổng kết con đường sáng tác của Beethoven - nhà soạn nhạc giao hưởng. Bản giao hưởng số 9 mở ra những triển vọng mới đối với nền nghệ thuật âm nhạc của những thế hệ tiếp theo.
Chương I - Trong màn sương tối lờ mờ, bất định, hiện ra phần mở đầu của bản giao hưởng. Hồi hộp, đầy bí ẩn của đợi chờ, tiếng vê (tremolo) chập chờn mờ ảo của violin, trên nền tremolo ấy thấp thoáng những bóng lờ mờ các motiv, nhạc sĩ đang lần dò những tuyến mạch của chủ đề chính sau này, nó đã hình thành, và sau một sự chuẩn bị lâu dài, bằng sự nỗ lực hùng mạnh của dàn nhạc, cuối cùng, khẳng định chủ đề chính. Xuất hiện hình tượng thuyết nguồn gốc vũ trụ, dường như từ bóng tối của vô biên vũ trụ xuất hiện và tuyên bố về mình một cách uy quyền, mệnh lệnh: "Tôi đang có ở đây". Nhưng vũ trụ sinh ra xù xì, đầy rẫy những mâu thuẫn sôi sục, nảy sinh không khí đấu tranh, xung đột. Sự phát triển sôi động đó dẫn đến chủ đề phụ - phản đề trữ tình đối với chủ đề một, âm nhạc mang màu sắc trưởng, xuất hiện cao trào anh hùng ca - những tia sáng đầu tiên của thắng lợi. Và bỗng nhiên trở lại một sự yên lặng hung dữ, những tiếng kèn hiệu nghiêm trọng thông báo trận chiến đấu bắt đầu, gợi lại trong ký ức những hình tượng người khổng lồ một mắt trong sử thi anh hùng cổ đại. Ngôn ngữ của bản giao hưởng bị mất tính chất tạo hình, nhưng thay vào đó là áp lực kịch tính và thoái trào kiệt sức, trong âm thanh rùng rợn của chủ đề chính, trong tính nhất quán, nhằm một mục tiêu nhất định của sự phát triển âm nhạc, đã thể hiện được hình tượng uy nghi, hùng tráng của hành động, của cuộc chiến đấu. Giai đoạn tột cùng của cuộc chiến đấu trùng hợp với sự bắt đầu phần nhắc lại (Reprise). Từ lúc ấy sự hoạt động đưa đến không thương xót sự kết thúc bi thảm trong đoạn đuôi (Coda). Âm nhạc có sắc thái tang lễ trọng thể. Tuy vậy "ý kiến tối hậu" không thể bác bỏ được vẫn thuộc về chủ đề chính quyền uy và hùng dũng.
Chương II - Phá bỏ tập tục cũ, Beethoven để khúc Scherzo ngay sau chương I. Nó xóa bỏ yếu tố bi thảm lúc đầu - Scherzo - cảnh huy hoàng có khí thế và hiệu lực, nó lao nhanh dồn dập như một trận bão lửa, tạo nên ấn tượng lúc thì mang tính chất anh hùng ca, lúc thì phóng túng, mơ mộng. Nhưng trong dòng âm thanh như đuổi theo nhau đó khuôn phép nghiêm ngặt về nhịp điệu vẫn khống chế. Những phần ngoài cùng được viết ở hình thức sonata allegro (lại một cải tiến mới mẻ nữa) tương phản với phần trio mang tính chất phong cảnh phong tục, với nhiều màu sắc tươi sáng của đồng quê.
Chương III - thể hiện lý tưởng đạo đức, vẻ đẹp và tính chất hùng vĩ của âm nhạc đầy cảm hứng bởi ý tưởng cao cả về đạo đức và hoàn thiện, sứ mệnh và nghĩa vụ của con người. Tính chất minh bạch sáng sủa, sự hài hòa của lý trí và tình cảm bao trùm niềm suy tư triết lý tỉnh táo ấy. Dòng nhạc thong thả, đầy đặn, sự luân chuyển và bổ sung lẫn nhau của hai chủ đề và các biến tấu của chúng rất chặt chẽ và hợp lý, hơi thở của giai điệu vô cùng rộng rãi. Điệu trưởng chiếm ưu thế hầu như khắp nơi trong nền tảng dàn nhạc đầy chất giai điệu tươi sáng, chỉ có hai lần bị phá vỡ do sự xâm nhập của chủ đề chính của chương I - như muốn nhắc rằng đạt được sự rõ ràng và cân đối ấy phải trả bằng một giá đắt.
Chương IV - chương cuối với phần đầu tràn lên dữ dội, khôi phục cái lạc điệu tưởng như đã được khắc phục. Nhưng điều đó chỉ là sự cố gắng để quay về. Nhưng sự trở về đã không thể có được logic phát triển của "những sự kiện" nhất quyết dẫn đến thắng lợi của niềm vui. Những chủ đề của những chương trước - những đoạn đường đã bị vượt qua - nối tiếp nhau đi, nhưng chủ đề nào cũng bị bè cello "cự tuyệt" bằng cách nói cương quyết: không một chủ đề nào có thể nói là chủ đề của chương cuối. Cần phải tìm cái nào đó có phẩm chất mới, hơn hẳn tất cả những gì đã có từ trước đến nay và có thể nói lên kết quả phát triển tư tưởng âm nhạc của bản giao hương. Một khoảnh khắc yên lặng trong dàn nhạc. Và cuối cùng chủ đề mới ấy xuất hiện, chủ đề Niềm Vui. Chính nhờ tính chất mộc mạc mà nó được xem như một sự phát triển rõ ràng. Đầu tiên là cello và contrebass diễn tấu chủ đề ấy, sau đó từng nhóm nhạc cụ khác và cuối cùng, cả dàn nhạc. Đó là niềm vui đã vượt qua đau khổ, chiến thắng cái ác, là thành quả của sự hài hòa cân đối cao độ của nội tâm và sự thoải mái về tinh thần của con người. Âm thanh của chủ đề đạt đến quy mô to lớn, và một lần nữa, lần cuối cùng, nhạc tố hốt hoảng, kinh hoàng trong chương I lại chen vào. Và lúc đó, lần đầu tiên nghe thấy tiếng nói của con người: "Ồ các bạn ơi! Không phải những âm thanh ấy! Tốt hơn hết chúng ta hãy hát cái gì vui tươi!" Chủ đề Niềm Vui xuất hiện ở các giọng đơn ca và hợp xướng: "Ôi Niềm Vui thần thánh tuyệt vời, nữ thần của bầu trời! Lòng hân hoan, chúng tôi bước vào thánh đường của người". Từ lúc đó Niềm Vui vô tận, không gì làm u tối đi, đuợc giữ mãi cho đến cuối chương. Hơn thế nữa, Niềm Vui được thể hiện trong tất cả sự phong phú về giới hạn và sắc thái. Chủ đề thông qua một loạt biến hóa, trở thành khúc ca, bài hát ca ngợi tươi sáng, hành khúc anh hùng, về tính chất có khác nhau, những đoạn chen (episodes) được trình bày trong bức tranh khổng lồ chung của niềm vui sướng của quần chúng, sự hân hoan tưng bừng của nhân loại được giải phóng và hạnh phúc. Và trong âm nhạc như tràn ngập ánh mặt trời, và trong từng ô nhịp ánh hào quang ngày càng rực rỡ, chói lọi. Về cuối giọng hát đơn ca, hợp xướng và dàn nhạc hòa thành khí thế chung ngợi ca niềm vui, trong niềm hân hoan tột độ. "Hỡi triệu triệu người, hãy xiết chặt tay nhau! "Bản giao hưởng kết thúc bằng sự ca ngợi Tự do, tình huynh đệ của Nhân loại.
Như vậy là, từ tối tăm - ra ánh sáng, qua đấu tranh và tổn thất - đến giác ngộ sứ mệnh của con người, từ u tối - đến ánh sáng của chân lý, đến niềm vui của thế giới được giải phóng và hạnh phúc. Đó là những nét lớn trong nội dung tư tưởng của bản giao hưởng số 9, thể hiện những lý tưởng bất tử mà hàng bao nhiêu thế kỷ loài người đang vươn tới.
Nguyễn Trọng Bảo K8 cũng là một trong những nhà tài trợ cho trang "Nhạccodien.info"
Trả lờiXóaNghe trích đoạn thì còn được chứ nghe hết thì chào các pác em ngược.
Trả lờiXóaĐúng là nghe nhạc cổ điển cũng như thưởng thức một chai rượu ngon. chỉ có thể nhấm nháp và tận hưởng hương vị của nó. Nếu đi cả chai.. hề hề! ngã bổ ngửa, VNQ cho ăn từ từ thôi mới vô được!!!
Trả lờiXóaThực tình, điều rất quan trọng là lúc nào thì nên nghe nhạc cổ điển, một điều khiếm khuyết là các nhà nghiên cứu âm nhạc chưa thấy ai nói gì về việc nghe NCĐ vào lúc nào thì thích hợp, kèm theo đó là trạng thái tình cảm. Giữa trưa hè oi bức, lại bực mình vì thằng con bị điểm kém mà nghe nhạc CĐ thì hề hề! chỉ muốn đá một cái vào đâu đó!
Thực tình các bản nhạc này rất hay, có người nói thực sự cảm động vì tự hào rằng làm sao con người lại viết lên được những nốt nhạc kỳ diệu như vậy.