Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Thư người Việt ở Nhật

Có người bạn thả vào mailbox của mình một lá thư như sau.
Xin chia sẻ với các bạn.

From: Nguyen Dinh Dang
To: undisclosed-recipients:;
Date: Thu, 17 Mar 2011 11:56:15 +0900
Subject: Một bức thư cảm động

Xin chào anh Đăng,
Xin được giới thiệu tôi tên là Hà Minh Thành. Qua anh Nguyễn Hữu Viện tôi mới được biết anh và trang tin của anh dù tôi làm việc cách chỗ của anh cũng không bao xa. Xin hân hạnh được làm quen với anh.

Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tui đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người không thôi. Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp.

Ký giả của Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất chắc cũng vài chục triệu yen nhưng mà chẳng ai thèm nhặt đã phải thốt lên: "50 năm nữa , kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức
công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ."

Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ còn người Việt mình không biết bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy.
Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người.
Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm.
Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.
Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi đó là "Nhân sinh nhất mộng , bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật". Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa. Những công án thiền của Bích Nham Lục, Vô môn quan hoàn toàn vô nghĩa so với hành động của một đứa bé 9 tuổi.

Xưa nay tôi không phục lắm người Nhật từ khi còn đi học, làm kỹ sư rồi làm cảnh sát thì phải luôn tiếp xúc với những người Nhật ở mặt trái của xã hội. Nhưng mà hành động của người dân Nhật trong vùng động đất bây giờ đã khiến tôi phục họ thật sự.
Tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn còn an ninh, hiện tại tụi tôi đã được phát sẵn khẩu trang và đồng phục nylon. Ông Kan sáng nay họp báo dự tính đến tình huống xấu nhất là bỏ cả vùng miền Đông. Tôi không phải chuyên ngành về nguyên tử lực như anh nên không hiểu lắm về tác hại
của phóng xạ. Nhưng tôi nghĩ cũng đang nguy hiểm. Tụi TEPCO vụ này chủ quan quá. Anh Đăng nếu được nên sắp xếp cho vợ con về VN trước thì tốt nhất. Tôi sợ tới lúc xấu nhất không còn vé máy bay. Tôi thì bà xã người Nhật, con gái cũng mới ra trường y tá và cũng đang hoạt động cứu trợ thiện nguyện ngay tại Fukushima này. Tôi hỏi con gái tôi "Tình hình có vẻ nguy hiểm, con có muốn đi VN lánh nạn không".
Nhỏ con gái của tôi trả lời "Đi đâu bây giờ , xung quanh con với cha người ta chết với bị thương hàng hàng lớp lớp. Không lẽ bỏ chạy. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó."Tôi gọi điện thoại về hỏi bà vợ tôi tính sao, có cần chạy qua quê chồng trú tạm lánh nạn một mình không thì bà xã tôi nói với tôi rằng người Nhật của họ thì 36 kế của Tôn Tử binh pháp họ chỉ dùng được tới cái kế 35. Cái chước cuối cùng "Tẩu vi thượng sách" không có chỗ dùng vì cái xứ đảo này không có chỗ nào để mà chạy nữa. Cùng lắm chịu chết thôi. Thôi thì tôi thân phận dính líu tới cái tổ quốc thứ hai này rồi. Vợ con gì cũng không chạy không lẽ một mình tôi bỏ nhiệm sở. Già rồi có hít chút phóng xạ vô nữa cũng chẳng sao cả. Mang cái ơn nghĩa với đất nước này cũng nhiều thôi thì bây giờ cùng đến lúc có cơ hội để trả ơn cho họ vậy.

Hy vọng không có gì xảy ra , khoảng 3 tuần nữa có thể trở về Saitama. Hy vọng được gặp anh Đăng nếu anh còn ở Nhật, anh em mình tâm sự nhiều hơn. Tôi năm nay 56 tuổi. Chắc cở tuổi của anh.
Chúc anh và gia quyến an toàn.

12 nhận xét:

  1. Thay cho lời nhận xét:
    "Kỷ luật, kỷ luật, và kỷ luật

    "Người Nhật Bản đang thể hiện điều mà họ đã được dạy dỗ và tập huấn ngay từ khi còn bé - trật tự và kiên cường", Federico D. Pasqual tại The Philippine Star nói. "Tại trường học, các bữa trưa miễn phí, nhưng thường "đạm bạc", và trẻ con học cách đón nhận và xử lý những thời điểm khó khăn. Thảm họa này là một trong những thời điểm đó, và việc định hình thái độ đó để nó ăn vào trong máu bây giờ đã có hiệu quả""
    trích trong BÀI NÀY

    Trả lờiXóa
  2. Tôi cũng có cảm nhận về ý thức công dân của người Nhật rất cao khi sang công tác tại Tokyo 1 tuần vào năm 2004.
    Trên vỉa hẻ mọi con đường đều có lối giành riêng cho những người khiếm thị (một xã hội rất nhân bản), trên những con đường nhỏ khi có khách bộ hành qua thì tất cả các ôtô đều dừng lại nhường đường, đi trên phố tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng còi xe hơi...và còn rất nhiều điều được chứng kiến khác nữa. Đúng là một xã hội có trình độ dân trí rất cao.
    Chạnh nghĩ, không biết bao giờ trình độ dân trí chung của Việt nam mới được như vậy.
    Xin chia sẻ sự cảm thông về tai họa khủng khiếp này với nhân dân Nhật bản.

    Trả lờiXóa
  3. Chuyện Xí nghiệp Nhật bản trong Khu chế xuất Tân thuận (XN):
    Chương Khen thưởng-Kỷ luật của Nội quy lao động của XN có quy định "bản án lao động" cao nhất, không phải là bị đuổi việc, trừ lương, mà là: công nhân (trong các ngày bị phạt) vẫn phải tới XN, vẫn được hưởng lương đầy đủ, nhưng phải ngồi chơi mà không-được-lao-động (với công nhân Nhật, đó là sự nhục nhã).
    Tôi ra sức thuyết phục ông GĐ XN rằng "Tôi rất xấu hổ khi phải nói với ông điều này: ông mà phạt công nhân VN như vậy thì nó tranh nhau nhận kỷ luật mất thôi".
    Ông GĐ khẳng khái "Người VN và người Nhật có cùng một nền tảng văn hóa, tôi tin là làm được".
    Nửa năm sau, tôi lọ mọ xuống XN, với hi vọng (một phần tỉ) rằng ông GĐ Nhật đã đúng. Nhưng thật đáng buồn bởi ... tôi nói đúng.

    Trả lờiXóa
  4. Chỉ có thể nói được một câu là cảm phục Nhật Bản và ý thức mình vì mọi người của nhân dân Nhật.

    Trả lờiXóa
  5. Rất đáng khen và rất kính nể người Nhật. Nhưng tôi mơ hồ cảm thấy có 1 cái gì đó bóng dáng của dân Đức những năm trước CT TG 2(?). Có lẽ tôi đã sai!

    HMK6

    Trả lờiXóa
  6. Tiếp lời HCQ: ở nhà máy quốc phòng tại HN, nhân viên xin nghỉ phép ốm đau, nghỉ khám bệnh rất nhiều. Họ kg sợ nghỉ việc thì mất lương, ngược lại được hưởng nguyên lương (thu nhập cao hơn) còn lương lao động thực thì lại quá ít, rất ngược đời so với các XN của phe TBCN đang giãy chết.

    Trả lờiXóa
  7. chẳng còn mơ hồ nữa.một dân tộc mà từ lâu nay tôi hằng ngưỡng mộ.thương thay cho đất việt mình có những hành động và suy nghỉ như họ.hay là khi hoạn nạn tranh thủ hôi của?ôi chao nghỉ mà xót xa cho văn minh của nước mình.một bức thư mà chứa đầy nước mắt.cảm ơn tác giả.
    phúc chiến

    Trả lờiXóa
  8. TAT CA DEU XUAT PHAT TU NEN KINH TE VA MUC SINH HOAT.DOI SONG CANG CAO CON NGUOI CANG VAN MINH HON.SU BON CHEN CHI CO O NHUNG NGUOI SONG NGHEO KHO LAU WA.MINH NGHI NHU VAY.KO BIET DUNG HAY SAI???

    Trả lờiXóa
  9. Bữa nay em mói biết cách vào blog bác. Lính mới chậm chạp thế đấy ạ.

    Mấy ngày nay đọc những thông tin do anh Hà Minh Thành cung cấp, thật quá xúc động!

    Trả lờiXóa
  10. Chào An Thảo!
    Bạn đã đên với UT bằng "comment" trên.

    Trả lờiXóa
  11. Tôi không nghĩ rằng sự bon chen chỉ có ở những người ngèo. "Đói cho sạch rắch cho thơm" tồn tại trong văn hóa người Việt mình lâu đời rổi.

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!