..Ngày 16-10 trong một trận đánh giữa sư đoàn 312 của ta và sự đoàn 8 của địch, Y Hòa trung đội trưởng trung đội hỏa lực 12 ly 7 đã dũng cảm chỉ huy anh em chiến đấu chống trả quân địch và bạn đã anh dũng hy sinh trên chốt ở đồi Cháy gần thành cổ Quảng Trị. Sự hy sinh của Y Hòa, Chấn Hưng và các bạn Liệt sỹ K22 đã đóng góp vào chiến công hiến hách của dân tộc là Mỹ cút, ngụy nhào và đem lại Độc lập tự đó cho Tổ quốc. Chúng ta vô cùng thương tiếc và biết ơn các bạn ấy.
Nhân ngày giỗ của Y Hòa, xin được thắp nén hương cho bạn và các bạn Liệt sỹ của K22, cầu mong linh hồn Y Hòa, Chấn Hưng cùng các bạn Liệt sỹ K22 được phiêu diêu miền cực lạc.
Nhớ bạn Y Hòa
Cùng bạn ra đi năm nào,
Những chiến sỹ đầu xanh, vui vẻ,
Vượt Bến Hải, thành cổ xông vào,
Động ông Gio, đồi Cháy, dốc Miếu, Gio Linh,...
Chiến dịch năm ấy pháo dội, bom gào...
Cùng bạn ra đi năm nào,
Những chiến sỹ đầu xanh, vui vẻ,
Vượt Bến Hải, thành cổ xông vào,
Anh dũng chiến đấu trên đồi Cháy,
Bão đạn, mưa bom chẳng sờn lòng,
Nay bạn nằm lại bên thành cổ,
lạnh lẽo cô đơn một nấm mồ.
Bao giờ tôi về vô trong đó,
Thăm bạn, thăm lại chiến trường xưa.
Động ông Gio, đồi Cháy, dốc Miếu, Gio Linh,...
Chiến dịch năm nao pháo dội, bom gào...
Ngo Thai Hoa K6+K7
Lá thư cuối của liệt sĩ Y Hòa gởi về gia đình.
Hôm
nay là ngày Kỷ niệm Thương binh Liệt sỹ( 27/7):Tinh thần của ngày này
vẫn luôn đọng lại trong mỗi người chúng ta nỗi trăn trở không yên, khi
mà vẫn chưa đưa được các bạn về với gia đình! Trong bài viết của Thanh
Sơn có nhắc tới lá thư cuối cùng của Y Hòa viết cho ba, má trước khi đi
vào chiến trường. Mặc dù lá thư này đã được đăng trong báo "Tuổi trẻ chủ
nhật" đăng ngày 10/8/2003 từ lâu. Tập hai "Sinh ra trong khói lửa"cũng
có. Nhân dịp này, tôi nghĩ đăng lại lá thư này sẽ không thừa? Dù sao
cũng còn nhiều người chưa biết tới lá thư này? Qua nét chữ nghiêng
nghiêng có phần bay bướm của bạn. Chúng ta hiểu thêm tâm tư, tình cảm
của những người lính ngoài chiến trường. Riêng những người lính còn được
may mắn như chúng tôi thì mỗi lần đọc lá thư này đều khóc!
Ba má thương nhớ của con!
Hôm nay, từ Quảng Trị con viết thư cho ba má. Sau chặng đường hành quân vượt Trừơng Sơn nóng bỏng, con vừa nghỉ chân.
Ba
má ạ! Đến nay, tụi con mỗi đứa một nơi không còn được sống chung với
nhau nữa. Vẫn thuộc sư đoàn nhưng thằng Sơn (con chú Chiến) về đơn vị
công binh, còn con với thằng Chấn Hưng ở lại tiểu đoàn cũ vưà biên chế
thành tiểu đoàn 12 ly 7 pháo phòng không của sư. Buồn quá ba má ạ! Hôm
chia tay, thằng Sơn khóc quá. Hiện chưa biết nó ở đâu, Nam hay Bắc?
Còn
đơn vị con chỉ là đơn vị phục vụ chiến dịch. Buồn quá vì không đuợc ở
bộ binh chiến đấu mặt giáp mặt với quân thù. Con bây giờ gầy hơn trước
vì vừa qua hai tháng gian nan, ác liệt. Vào đây mới thấy ở ngoài Bắc tụi
con rèn luyện chẳng ăn thua gì cả. Lúc ở nhà thì sướng như tiên, vào
đây thì chẳng có gì ăn, chỉ có cơm với muối thôi. Nhưng vì mệt nên ăn
vẫn rất khỏe. Nấu cơm thì chật vật mất mấy tiếng đồng hồ mới chín vì máy
bay quần suốt. Ngủ hầm thì ẩm thấp, lầy lội và muỗi nhiều vô kể. Sáng
dậy vừa chui ra khỏi màn là muỗi đốt như điên, toàn nhằm vào đầu. Hành
quân liên tục suốt ngày suốt đêm. Vác súng đạn nặng nên hai vai sưng đỏ
rần cả lên. Có một điều may mắn là con vẫn chưa bị sốt rét lần nào cả.
Không biết sẽ thế nào nhưng giờ thì vẫn khỏe. Vì đã xác định trước sẽ
khó khăn gian khổ nên con quyết vượt qua. Nhiệm vụ chiến đấu là trên hết
mà.
Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng
Trị giờ là một nên dân chúng ra vào như đi chợ. Tuy vậy, ở vùng mới
giải phóng còn khá phức tạp, chính quyền cách mạng ở đây phải rất vững.
Có cửa hàng bách hóa của ta cung cấp nhiều mặt hàng và bán cả bằng hai
thứ tiền. Hàng hóa Mỹ thì bãi bỏ triệt để. Dân chúng đã quen với B52,
khắp nơi chi chít những vệt bom B52, nhiều khu rừng đã bị chúng thiêu
huỷ bằng địa.
Ba má ơi! Hiện giờ
chúng con vẫn nằm chờ chiến dịch. Ở Quảng Trị việc giành giữ đất rất gay
go, nhất là vùng giáp ranh ngày nào cũng có chiến sự. Bọn con chỉ bắn
máy bay thôi, nếu căng lắm mới hạ tầm để đánh bộ binh địch. Vì tiểu đoàn
mới nhận súng và mới thành lập, chưa chiến đấu trận nào. Con và thằng
Vũ Trung vẫn ở cùng một đại đội với thằng Hưng. Khi hành quân ở Trường
Sơn, bọn con gặp nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều. Họ chỉ thích đổi gạo
lấy gà chứ không thích đá lửa nên đá lửa con vẫn còn. Thuốc bổ
Polyvitamine của má cho con vẫn giữ một gói. Má ạ, bây giờ mới thấy B1
là cần thiết vì không tài nào tìm được một cọng rau. Kiếm được ít lá
khoai, lá sắn là mừng lắm. Bây giờ thịt hộp cũng chẳng còn, chỉ có mắm
tôm, muối, ít ruốc nên người đứa nào cũng phờ phạc. Mì chính thì nhiều
lắm, bọn con cứ pha từng thìa mì chính với nước lã làm canh chan ăn.
Ba
má ạ! Bây giờ con mới thấy nhớ nhà, nhớ ba má và anh chị em. Ở giới hạn
giữa cái sống và cái chết nhiều lúc ứa cả nước mắt vì nhớ nhà. Biết đâu
và vĩnh viễn con chẳng còn được thấy ba má và anh chị em con nữa. Trong
chiến đấu điều đó đã trở thành bình thường, cái chết chẳng đe dọa được
ai nhưng nó vẫn cứ rình rập đâu đây. Lính tiểu đoàn 56 cùng huấn luyện
với tụi con vừa bị B52 rải thảm làm chết ba đứa và bị thương cũng nhiều.
Tiểu đoàn con cũng bị máy bay ném bom và bắn rôc- két, may mà không ai
bị sao. Con vẫn giữ một cái ảnh của gia đình nhưng thiếu chị Thanh và
thằng Trung, thằng Thắng. Nhưng cũng chẳng sao cả vì con vẫn nhớ và hình
dung ra chúng nó.
Ba má ơi,
không hiểu ở nhà bây giờ ra sao? Ba má có được mạnh khỏe không? Anh
Nguyên và chị Thanh học ra sao rồi? Chị Thanh năm nay có khỏe không, có
đỗ đại học không? Con Nhung, thằng Trung, thằng Thắng năm nay chắc học ở
Chi Nê? Má bảo rằng con vẫn mạnh khỏe và vẫn nhớ chúng nó nhé! Con vẫn
hành quân, chưa nghỉ và chắc chẳng bao giờ nghỉ đâu. Còn Thái Hòa không
hiểu bây giờ nó ở đâu? Chắc là nó thơm hơn tụi con rồi. Nhưng thôi, sau
này về chắc tụi con sẽ lại thơm hơn. Chính trị viên của con nói chỉ còn
đánh độ một hay hai chiến dịch nữa thôi.
Cuối thư con chúc ba má và cả nhà mạnh khỏe, chúc cả nhà gặp nhiều may mắn.
Con của ba má.
Quân giải phóng Bắc Quảng Trị – Y Hòa.
Hòm thư của con: 651091 JA01
TB: Con đã viết về nhà bốn, năm lá thư nhưng vẫn chưa nhận được thư nào.
Đây
là lá thư cuối cùng của Y Hòa gửi về cho gia đình. Hai tháng sau, ngày
16 tháng 10, Y Hòa đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi.
Xin nghiêng mình tưởng nhớ anh Y Hòa. Bây giờ đọc lại những dòng thư của anh, em vẫn không thể cầm được nước mắt như khi đọc lần đầu. Nhớ thương, cảm phục anh và các liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có anh trai của em cũng là một chiến sỹ pháo binh và cũng hy sinh năm 1972.
Trả lờiXóaĐọc lá thơ cảm động và cảm phục
Trả lờiXóa