Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

HUYẾT MẠCH

Người ta vẫn nói : Hệ thống giao thông là huyết mạch của đất nước. Cái chuyện này chắc để mấy ông bác sĩ nhận xét, chớ tôi thấy nó thực sự gắn liền với nền kinh tế.

Nhớ cái hồi chúng ta mơ tới “đường ta rộng thênh thang” mà chỉ cần có “tám thước” là đủ! Mà đúng vậy, chỉ mấy cái xe đạp, vài ba cái xe “cải tiến” thì rộng làm gì, đường cũng chẳng cần phải trải nhựa, lát bê-tông. Hoàn toàn thể hiện nền kinh tế của thời đó là vậy. Chỉ toàn làm ăn nhỏ lẻ, trồng vài cây chuối, con trâu đi trước cái cầy đi sau, nuôi trồng đủ ăn là thỏa mãn thì chính sách, luật lệ cũng thật đơn giản : thành lập Hợp tác xã, đóng thuế nông nghiệp …. Vận động nhau mà làm.

Chớ đâu có “phức tạp” như các nước Âu Mỹ. Kinh doanh đủ dạng, công ty lớn, công ty nhỏ cứ như xe tải, xe buýt với đủ kiểu cao thấp, dài ngắn chen nhau chạy ào ào với tốc độ cả trăn cây số / giờ. Bởi vậy nó mới phải có đường xá rộng rãi với chín mười làn xe. Đường thì phẳng lỳ phân chia rõ ràng, tuyến nào ra tuyến đó, đường xa lộ, đường làng, đường tỉnh khác hẳn đường trong thành phố. Rồi thì đủ thứ luật lệ, đi bên trái, bên phải, đèn xanh đèn đỏ, bảng chỉ dẫn …. Không thiếu thứ gì giống như luật lệ kinh doanh cho các doanh nghiệp vậy. Mọi thứ đều rõ ràng, công ty lớn phải làm gì, công ty nhỏ phải như thế nào, muốn kinh doanh thì phải chấp hành luật lệ do nhà nước đề ra và cái luật ấy phải có trách nhiệm ra sao với họ. Mọi thứ rành mạch cứ như xe chạy trên đường có chỉ dẫn, có bảo hiểm. Có tắc xe cũng theo hàng, theo lối. Nhìn xe chạy trên đường là thấy ngay nền kinh tế chúng nó có lớp lang, bài bản. Mặc sức mình làm theo khả năng (chạy hết tốc độ) nhưng nhất định phải trong khuôn khổ luật pháp (đi đúng tuyến, đúng đường), nếu sai sẽ bị phạt liền hoặc rước họa vào thân mà thôi.

Còn ở xứ mình thì … Ôi, không biết nói làm sao! Nhất là ở mấy cái thành phố lớn như HN, HCM thì đủ các thứ xe chen lấn nhau, từ xe buýt to đùng tới xe du lịch sang trọng và nhất là xe gắn máy cứ như các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang chen lấn với các công ty, tập đoàn trong thương trường vậy. Đường xá mới nhìn thì cũng bài bản lắm, có vạch, có tuyến, có đèn, có bảng … đủ cả, nhưng chẳng có ai chấp hành cứ như luật pháp đề ra để trưng cho đẹp vậy. Mà cũng chính cái người đề ra luật lại nhân danh những mục tiêu của tương lai làm cản trở luật gây ra ách tắc vì “lô cốt” đào đường, vì đắp mô sửa chữa gây ngập úng tràn lan rồi bẻ quẹo hướng đi cho doanh nghiệp “chạy” lòng vòng vào các “ngõ hẻm” tìm hoài không thấy đường ra. Mà các doanh nghiệp thì mặc sức ai nấy đi. Mấy tập đoàn của nhà nước lớn như cái xe buýt chạy trên đường được ưu tiên chen vào đám xe gắn máy của tụi tư nhân nhỏ lẻ mà “lách luật”. Đã thế lại còn bấm kèn inh ỏi, thậm chí chửi rủa khách hàng cứ như đang lớn tiếng ca thán, phê phán mọi người “ngu” không biết sử dụng sản phẩm, dịch vụ độc quyền của tôi! Mấy anh cảnh sát đại diện pháp luật giữ trật tự thì tối ngày “tám” với nhau mà than “ý thức” với “dân trí”. Mà cũng đúng thiệt. Xe gắn máy tràn ngập, chạy bất chấp luật lệ, bên phải bên trái, dưới lòng đường trên vỉa hè, đi ngược chiều … không thiếu kiểu gì cứ như là muốn đóng thuế thì đóng, muốn kinh doanh gì cứ làm chẳng cần xin phép ai, chẳng cần biết luật quy định gì nhưng hễ bị “đụng” tới là la lên : em nghèo, em không có tiền nộp phạt, nhà nước phải thương dân chứ …. Vậy mà công an vừa quay đi là “em” nhẩy lên xe lạng vòng qua mũi ô tô văng tiếng Đan mạch rồ ga vượt đèn đỏ chạy thẳng! Mấy ông ngồi trong xe máy lạnh nhìn đời qua kiếng chép miệng “hết sức thông cảm” với chuyện kẹt xe rồi vội nhấc điện thoại kêu công an lại dẹp đường để mấy ổng đi họp kẻo trễ thì không ai định hướng chiến lược với tầm nhìn tăng thuế, thu phí giao thông sau khi tái lập mặt đường như thông qua luật bổ sung, sửa đổi thì dân còn khổ nữa!

Đúng là chỉ nhìn xe cộ lưu thông trên đường là hiểu được nền kinh tế của xứ mình thấy muốn … “lên máu”! Hèn nào người ta gọi nó là “huyết mạch”.

11 nhận xét:

  1. Hà mèo lại muốn gây chuyện rồi.Chuyện giao thông ở xứ mình thật không giống ai.Đủ các loại xe lưu thông trên đường,trong khi ở nước người ta chỉ có vài loại xe nên phân luồng,làn rất dễ.Từ trước đến nay mọi người thường chỉ nghĩ đến giải pháp thu tiền,đánh thuế nặng để giải quyết nạn kẹt xe?Nhưng chưa thấy phương án nào khả thi,cứ đưa ra là bị phản đối?Nhưng có một phương án mà không có ai nghĩ tới mà người xưa đã nói"thả con săn sắt,bắt con cá sặt",đó là miễn phí xe bus,tăng số đầu xe bus trên các tuyến đường lên.Dân thấy lợi sẽ bỏ xe máy đi xe bus.Chỉ cần tạo thói quen đi xe bus trong vòng 2-3 năm rồi thu phí dần dần,tất nhiên là phải giáo dục cách hành xử của nhân viên lái xe.Bây giờ lại bỏ ra mấy chục triệu USD để nghĩ đến chuyện thu phí vào trung tâm T/P đúng là chuyện con kiến mà leo cành đa,leo phải cành cụt leo ra,leo vào!Trong khi với số tiền đó giải quyết chuyện trên còn khả thi hơn nhiều.Mà còn thêm nhiều cái lợi khác kèm theo nữa như môi trường,tiền nhập khẩu xăng,dầu,tai nạn giảm...Nhưng quan trọng là có dám làm hay không?

    Trả lờiXóa
  2. Bi giờ có hẹn nhau làm 3 xu Diêu thì cũng phải hẹn từ trưa,rùi ngồi đến khuya mới có thể về đc.

    Trả lờiXóa
  3. Chúng ta đã nói quá nhiều về văn hóa giao thông, văn hóa đi đường nhưng thực ra, quá ít người trong chúng ta hình thành được thói quen và văn hóa đó. Sự gia tăng về số lượng các loại phương tiện giao thông là minh chứng cho một xã hội phát triển. Chúng ta chuyển từ xe đạp lên xe máy, rồi từ xe máy lên ô tô- nhưng một bộ phận không nhỏ của cộng đồng không chịu “lên đời văn hóa”. Vẫn mang thứ văn hóa của xe máy vào nền văn hóa ô tô, nên tắc đường chỉ là một trong những hậu quả của việc văn hóa tham gia giao thông không tương xứng.

    Trả lờiXóa
  4. "Lô cốt" trên đường phố Saigon là một giải pháp tích cực nhằm giải quyết nạn quá tải giao thông:

    Hồi xưa có ông nhà quá chật chội, bèn đi hỏi thầy. Thầy bảo "nhà chật thì cho 1 con bò vào nhà". Sau vài tháng, ổng gặp thầy than vãn "thêm bò càng chật". Thầy phán "thêm 1 con nữa", và cứ mỗi lần khổ chủ than chật là thầy lại "ấn" thêm 1 bò. Chờ tới lúc đương sự kiệt sức, thầy mới phán "cho sơ tán tất cả bò ra khỏi nhà". Thế là căn nhà bỗng rộng thênh thang, thật sung sướng, sung sướng gì đâu.

    Mấy anh trên mần mấy trăm cái lô cốt là có ý cả, các bác chả chịu tìm hiểu. Mình đi tắt đón đầu, chứ cứ chạy theo cái thứ hạ tầng như bên Âu Mỹ thì ...
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  5. Từ quan điểm XHCN ,tất cả là của chung , toàn dân sở hữu sinh ra cha chung không ai khóc,có cái cày đem vào HTX,nó là của mình nhưng không thèm lo nữa, chắc có thằng khác nó sửa khi hỏng. mình lo làm gì cho mất công, bây giờ đổi mới thì làm ngược lại, của chung đem vể nhà dùng, không dùng được thì phá.Tư tưởng tư hữu cá nhân được dịp bùng phát, vậy mới sinh ra một nhà sử dụng bốn năm cái xe máy, cái chạy trời mưa cái chạy trời nắng.Nhà hàng xóm có oto thì tao cũng không chịu kém,dân quê sống khổ muốn đổi đời phi lên thành phố kiếm ăn cho khỏi gả con sang Nam hàn ,Đài loan. sinh viên không thèm học đ/h ở quê mà phải ra HN, vào TPHCM học cho oách, người ăn mì chính VEDAN có bị bệnh thì cũng cơm đùm cơm nắm lên thành phố chữa chạy cho bảo đảm. Vậy là xu hướng đổ về thành phố càng ngày càng đông vì bất cứ lí do gì.Giao thông hỗn loạn ,tắc nghẽn ở đấy mà ra chứ ở đâu nữa.Mấy ông ở thượng tầng còn phải lo trăm công ngàn việc ,nào chủ trương chính sách, đường lối cho dân ta khỏi đi chệch đường, nào lo làm sao cho anh bạn lớn đừng "ho". rồi lo mấy thằng blog lắm chuyện bày đặt đòi dân chủ đa đảng. lo mấy anh thiên chúa đòi đất, mấy ông sư đòi này đòi kia. túm lại nhiều cái lo trước, hơi đâu mà nghĩ đến giao thông với lại giao thiếc, Đường đấy ,chúng mày cứ việc đi, của chung đấy, cứ việc hưởng , không đi được hả? tắc đường hả ,ngồi nhà vào internet mà chơi game, không thì gõ mõ tụng kinh cũng được.Tôi đố các bạn vì sao bệnh ung thư và nhất là Tăng Huyết áp ở VN bùng nổ nhiều đến vậy đấy, chắc cũng một phần vì "huyết mạch" của Hà mèo, nhưng cũng có phần trà thảo mộc,sâm mía lau ,dá cây chưa phát huy tác dụng.bó tay chưa?

    Trả lờiXóa
  6. Hành vi giao thông là một biểu hiện cụ thể của tập quán ứng xử. Cứ từ giao thông mà biết người ta đối xử với nhau, với pháp luật nói chung là như thế nào.

    Trả lờiXóa
  7. Ở các vùng cao dân họ đi cũng như dân thành phố . Họ cứ chọn đường nhẵn mà đi , bất biết . Nếu có hỏi thì họ trả lời : Đường của chính phủ chứ đường của mày à ! Bó tay .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  8. Chú Chí bé viết quá siêu! Mọi người tha hồ bàn luận về hiện trạng giao thông ngày nay ở VN. Ý của Chí bé là Cả cái nền kinh tế của ta hiện nay chẳng khác gì cái thực trạng giao thông này. So sánh quả là ví von.

    Trả lờiXóa
  9. Các pác mà bàn luận các chiện hot như dzầy, thì ta phải mở DN kinh doanh nước giải nhiệt, cạnh tranh với thằng Dr...

    Phen này ta quyết đi buôn nước
    Vừa chưởi vừa rao cũng đắc hàng.

    Kính các pác một ly nước sâm SG!

    4 SG

    Trả lờiXóa
  10. Hẹn nhau 5 rưỡi chiều , nhậu muốn say rồi chừng 7h bạn mình mới tới, tính trách 1 câu, thấy cái mặt chàu quạu kiểu kẹt xe, tắc đường hết dám nói câu nào luôn.

    Trả lờiXóa
  11. Bây giờ mới hiểu HM có tóc màu bạch kim {xin lỗi tưởng đảo ngói} sớm và đều là do nghiên cứu quá nhiều mà ra được học thuyết " huyết mạch". Đây quả là một đề tài có tâm vĩ mô chỉ cần nhìn giao thông là thấy tiềm năng phát triển của nền kinh tế nước nhà. ĐỀ tài cần được phong tặng đề tài cấp nhà nước . Qủa không uổng công, sức, trí tuệ của nhà kinh tế học Việt Nam. Chúc mừng Anh HM .

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!