Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử “Trung Quốc của Mao Trạch Đông” do GEO Epoche xuất bản
Cổ vũ: tháng 8 năm 1966, Mao tiếp đón cô nữ sinh Tống Bân Bân, nhóm của người này đã giết chết cô giáo Biện Trọng Vân. Ảnh: GEO Epoche |
MỘT THÁNG SAU ĐÓ, Mao tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lâm trong ngôi biệt thự hoàng đế của ông ấy ở Hàng Châu, tròn 200 kilômét về phía Nam của Thượng Hải. Ở đây, ông ấy hứa với người chỉ huy quân đội, rằng sẽ nâng ông ấy lên thành con số hai mới trong Đảng sau khi lật đổ Lưu theo kế hoạch và đập tan những “kẻ hữu khuynh”.
Lâm Bưu trẻ hơn Mao 14 tuổi, tức là cũng có thể có hy vọng, rằng một ngày nào đó sẽ thăng tiến lên đến tột đỉnh. Mối liên kết của hai người giờ đây càng chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Mao cố nắm chắc sự giúp đỡ của những người trung thành khác. Rất có thể là ông ấy cũng đã tiếp xúc với Đặng Tiểu Bình trong thời gian này. Vì ông đánh giá cao sự hiểu biết và tài tổ chức của người này. Lúc trước, Đặng đã hỗ trợ cho viên Chủ tịch trong tất cả các chiến dịch chống lại kẻ thù của ông ấy. Thế nhưng sau cuộc Đại Nhảy Vọt, ông ấy không muốn tiến hàng những cuộc thí nghiệm chính trị nữa.
Trong mùa Xuân năm 1966, Giang Thanh vợ Mao yêu cầu trong tuyên ngôn “Giết chết văn hóa” do chính Mao biên tập một cuộc “Đại Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa ở mặt trận văn hóa để tiệt trừ những lực lượng đen tối độc tài có khuynh hướng chống Đảng và chống Chủ nghĩa Xã hội”.
Thế nhưng Mao vẫn còn chưa tấn công trực tiếp Chủ tịch nước Lưu. Ông chỉ yêu cầu sa thải một “Nhóm chống Đảng” bốn người, được cho là phá hoại cuộc Cách mạng Văn hóa. Người nổi tiếng nhất trong bốn người đấy là là Bành, thị trưởng Bắc Kinh.
Trong khi đó, Lâm Bưu chuẩn bị điều động quân đội về Bắc Kinh – được cho là để đàn áp một cuộc “đảo chính phản cách mạng” sắp xảy ra.
Dưới tình hình đó, Bộ Chính trị đã họp vào ngày 16 tháng 5 mà trong đó cần phải biểu quyết về danh sách của Mao. Viên Chủ tịch vẫn tiếp tục ở miền Nam Trung Quốc – có lẽ vì ông đã chắc chắn rằng mình sẽ chiến thắng.
Lưu Thiếu Kỳ khai mạc cuộc họp của ủy ban cao nhất trong ĐCS: “Chúng ta nhận được chỉ thị phải thảo luận về văn kiện này, nhưng chúng ta không được phép thay đổi nó”, ông ấy nói. “Điều này không phải là độc tài hay sao?”
Rồi ông hỏi Bành rằng người này có phản đối lời yêu cầu của Mao hay không. Ông ấy phủ nhận. Và rồi ông ấy giơ tay lên như tất cả các thành viên khác của Bộ Chính trị khi biểu quyết về sự sa thải của chính mình.
Thêm vào đó, các cán bộ đứng đầu đang hội họp này ủng hộ cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao. Tại sao họ lại biểu quyết như thế, hai ngày sau đó mới rõ, khi Lâm Bưu tiếp tục đe dọa Bộ Chính trị theo yêu cầu của Mao: “Bất cứ ai chống lại Mao”, ông ấy tuyên bố, “sẽ bị Đảng và nhân dân trừng phạt.”
Qua đó Mao đã tạo nên một Bộ Chính trị tuân theo ý muốn của mình. Nhưng các nghị quyết của Bộ Chính trị – cả việc tước quyền lực của Bành Chân – tạm thời vẫn được giữ kín. Mao muốn tiếp tục im lặng, cho tới khi chuẩn bị xong cho cuộc “thanh trừng” lớn.
Một “Nhóm Trung ương của Cách mạng Văn hóa” dưới sự lãnh đạo của vợ Mao bây giờ thay thế cho các nhóm làm việc của Bành đã bị tước quyền lực. Thêm vào đó, Giang Thanh kiểm soát một tòa án có nhiệm vụ tổ chức những vụ bắt giam các đối thủ của Mao.
Và ngay sau cuộc họp của Bộ Chính trị, một chiến dịch báo chí chống lại các “cán bộ xét lại” và “trí thức tiểu tư sản” bắt đầu.
NHƯNG CÁI TRỰC TIẾP phát động cuộc nổi dậy của giới trẻ là một tờ báo tường trong một nhà ăn đại học ở Bắc Kinh, cái cỗ vũ cho “tinh thần cách mạng” và kêu gọi người đọc “phản kích lại băng nhóm đen” quanh Bành.
Mao, người trong dinh thự của mình được thông tin về tất cả các sự kiện quan trọng trong thủ đô, để cho đọc bài viết đó trên đài phát thanh vào ngày 1 tháng 6. Cùng ngày, một bài xã luận do ông yêu cầu được đăng trên tờ “Nhân dân Nhật báo” dưới tít “Quét sạch bọn trâu quỷ rắn ma”: mặc dù trật tự cũ đã bị lật đổ, tác giả ta thán, các “học giả” vẫn cố gắng tranh thủ giới trẻ cho một chính sách hướng về phía sau.
Người sếp của Đảng muốn động viên hàng triệu học sinh và sinh viên, bằng cách nâng xung đột thế hệ lên thành “mâu thuẫn giai cấp”: giới trẻ cách mạng ở một bên, người trưởng thành thường bảo thủ ở bên kia.
Lời kêu gọi của “Nhân dân Nhật báo” hướng đến thế hệ đầu tiên được sinh ra trong nước Cộng hòa Nhân dân và được giáo dục hầu như hoàn toàn theo các lý tưởng của Mao: một thế hệ sống tốt hơn nhiều cho với cha mẹ của họ – và là một thế hệ mà mặc dầu vậy vẫn hết sức không tự tin. Vì so với các thành tích của thế hệ đi trước thì giới trẻ chỉ có thể thua kém. Thường họ phải nghe những câu chuyện anh hùng của giới cựu chiến binh trong những cuộc trao đổi do nhà nước tổ chức và phải chịu đựng khi những người già mắng nhiếc họ là “cây nhà kính” hèn nhát.
Nhưng họ có thể chứng tỏ lòng tin Cộng sản của họ như thế nào? Thường thì họ chỉ còn những hành động trẻ con như là sự lựa chọn: như trong ký túc xá, các học sinh tranh đua nhau xem ai là người dậy đầu tiên để lau hành lang hay lén giặt quần áo của bạn đồng học. Nhiều thanh thiếu niên viết nhật ký mà trong đó họ tưởng tượng ra hàng nhiều trang về tình yêu cách mạng của họ và để chúng nằm công khai trong phòng của họ hay trong phòng ngủ.
Trong lúc đó, việc đấy đối với họ không phải chỉ là để xứng đáng với các lý tưởng cách mạng, mà là cũng để cho tương lai sự nghiệp của họ. Vì áp lực thành tích chưa từng bao giờ đè nặng như thế. Các cơ hội thăng tiến biến mất dần, vì trường trung học đào tạo ra nhiều học sinh hơn là chỗ học đại học. Có những vùng mà cứ ba học sinh tốt nghiệp phổ thông thì mới có một người đi học đại học.
Liệu một người có được phép đi học đại học hay không, điều đấy không phải phụ thuộc trước hết vào điểm của người đó; cũng quan trọng như thế là gia thế của người đó và hoạt động chính trị của người đó. “Ai ở gần sân thượng cao thì nhìn mặt trăng trước”, đó là một câu châm ngôn, và do vậy mà con cái của đảng viên và những nhà cách mạng lão thành có được những cơ hội tốt nhất; học sinh từ những gia đình “đen”, cha mẹ của họ thuộc giai cấp tiểu tư sản trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân, thì ngược lại chỉ có thể tự thể hiện mình qua thành tích xuất sắc và một cuộc sống gương mẫu. Trong các trường học của đất nước có một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng.
Không có thời gian cho các vui thú của tuổi mới lớn: thiếu niên không được phép hẹn hò, cai trị ở nhà là cha mẹ, và đi du lịch là việc không thể trả tiển được. Họ được thầy cô của họ huấn luyện theo yêu cầu của Đảng – không hề đếm xỉa đến ý kiến lẫn ước muốn của họ. Cho tới nay, giới trẻ còn không được phép độc lập tham gia chính trị nữa.
Nhưng bây giờ thì vị Chủ tịch Vĩ đại cần đến sự giúp đỡ của họ, sự hỗ trợ của giới trẻ. Trong quyển “Mao Chủ tịch ngữ lục”, ông ấy khen ngợi và ca tụng họ, gọi họ là “lực lượng tích cực nhất, sống động nhất của xã hội” và hứa hẹn với họ: “Thế giới là của các cháu.”
Cuối cùng thì họ có thể bỏ lại những thứ bị bắt buộc, gây chán nản, lại ở phía sau, phá vỡ mọi quy định và chứng minh rằng cả họ cũng là những nhà cách mạng nữa.
Mao, một bậc thầy trong mỵ dân, rất thành thạo trong nghệ thuật biến đổi những động cơ thông tục như sự thèm khát quyền lực của mình và ước muốn báo thù các địch thủ của mình trở thành một mong muốn thiêng liêng. Ông ấy biết người ta khơi lên sự hào hứng hoang dại như thế nào.
(Còn tiếp)
Bài: Walter Saller; Ảnh: Li Zhensheng
Phan Ba dịch
Nguồn: http://phanba.wordpress.com/2012/10/14/cuoc-chien-cua-nhung-dua-tre-con-phan-3/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!