Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Bài báo viết về bạn của chúng ta.

Gác bút nghiên lên đường chiến đấu
Ls Y Hòa
Báo Quân đội nhân dân online có đăng bài viết về liệt sĩ Y Hòa k7, Nguyễn Lâm k5 và các liệt sĩ HN khác hy sinh tại chảo lửa Quảng trị trong những ngày hè đỏ lửa. Đáng lẽ bài viết này được đăng trên báo giấy nhưng không kịp ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Bài do Sơn, bạn cùng khu TT Hoàng hoa Thám với Y Hòa và cũng là bạn của chúng tôi kể lại. Sơn là người luôn đau đáu đi tìm mộ của các bạn,để đưa các bạn về với gia đình. Chính Sơn và các đồng đội dựng cái am để thờ các liệt sĩ đã hy sinh tại đồi Chè (Cháy) Quảng Trị. Xin giới thiệu bài viết của Phan đức Tuấn do Sơn kể lại.

"QĐND Online- Tổ quốc bị chia cắt, như bao người con khác của cả nước, có một nhóm những người bạn học ở Khu tập thể Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cùng nhau nhập ngũ. Họ xung trận, chiến đấu ở nhiều chiến trường, trong đó có trận chiến ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị. Đất nước nở hoa chiến thắng, không ít trong số họ mãi nằm lại trong lòng đất, gia đình, đồng đội chưa thể đón họ về…Bởi thế, những người còn sống luôn trăn trở, họ làm mọi cách để đi tìm đồng đội của mình…Câu chuyện dưới dây là một ví dụ do Đại tá Phan Đức Tuấn, nhân vật trong bài, đồng thời cũng là “đồng tác giả”, hiện là Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh cung cấp. Báo Quân đội nhân dân Online xin giới thiệu với bạn đọc"…
Đồng đội và người thân xác định nơi các liệt sĩ hy sinh
Chúng tôi sống cùng nhau từ bé do bố mẹ chúng tôi làm cùng cơ quan, cùng là cán bộ miền Nam tập kết, chúng tôi lại cùng ăn, cùng ở, cùng học một lớp với nhau nên chúng tôi thân nhau chẳng khác anh em một nhà. Trước khi về sống với bố mẹ ở Hà Nội, chúng tôi đã sống cùng với nhau trong trường nhi đồng học sinh miền Nam và các trường khác, theo trường đi sơ tán hết nơi này đến nơi khác trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ. Nguyễn Chấn Hưng quê nội ở Quảng Nam, quê ngoại ở Bình Định. Y Hòa là người dân tộc Ê Đê, quê ở Đắc Lắc, cả hai cùng sinh năm 1954, hơn tôi 1 tuổi. Chấn Hưng tính hiền lành, hay hát, Y Hòa hiếu động, chăm chỉ tập võ và vui nhộn, cả trường học sinh dân tộc miền Nam ai cũng biết. Tôi quê ở Quảng Nam, tuy nhỏ hơn một chút nhưng cũng có lúc làm ba mẹ không khỏi lo lắng vì những trò nghịch dại dột, thỉnh thoảng trốn học đá bóng, đi bơi… Sau khi Mỹ tuyên bố ngưng ném bom từ vĩ tuyến 17 trở ra, năm 1969 chúng tôi lại trở về Hà Nội sống với gia đình trong khu tập thể 5B Hoàng Hoa Thám-khu Ba Đình, Hà Nội. Đó là khu tập thể của Ủy ban dân tộc Trung ương, nơi bố mẹ chúng tôi công tác. Về Hà Nội chúng tôi cùng học chung với nhau ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi. Nơi đó chúng tôi lại có chung biết bao kỷ niệm đẹp về tình bạn tuổi mới lớn và những rung động đầu đời khi chợt thấy cô bạn gái cùng bàn bỗng trở nên xinh đẹp một cách kỳ lạ trong một chiều Hà Nội cuối đông. Tôi vẫn nghĩ không gì có thể chia cắt được tình bạn keo sơn của chúng tôi cho đến cuối đời…
Đầu năm 1972 học sinh, sinh viên Hà Nội đi bộ đội nhiều lắm. Cả nước đang dồn sức cho trận đánh quyết định ở Quảng Trị. Hưng có giấy gọi nhập ngũ. Tôi và Y Hòa bàn nhau xung phong đi cùng, chúng tôi không muốn xa nhau và cũng chẳng thích ngồi học trong khi bạn bè đã ra chiến trường cả. Chúng tôi kéo nhau đến nhà từng đứa để thuyết phục ba má. Chẳng có bà mẹ nào muốn cho con đi vào nơi hòn tên mũi đạn nhưng dường như việc 3 đứa cùng đi bộ đội một lần làm ba bà mẹ yên tâm hơn. Các ông bố thì tỏ ra rất hài lòng vì chợt thấy lần đầu tiên đứa con trai của mình lại trở nên nghiêm túc đến vậy.
Ngày 6-1-1972, ba chúng tôi từ giã tuổi học sinh, từ biệt gia đình vào bộ đội bắt đầu một cuộc sống mới sẽ gian khổ trong tập luyện và khốc liệt nơi chiến trường. Khu phố Hoàng Hoa Thám và học sinh các trường đại học, các trường phổ thông đi đợt này đông lắm. Chúng tôi gặp cả bạn bè, gặp cả các “đối thủ” trên sân bóng, gặp cả những đứa đã từng nện nhau tím mặt tím mày với chúng tôi trên đường phố. Khoác áo bộ đội, chúng tôi trở thành đồng đội, thành anh em sinh tử có nhau. Cùng nhập ngũ với tôi, Hòa và Hưng đợt ấy còn có Thái Hòa, Lương Hòa (hai Hòa ở lại đơn vị ngoài Bắc) cùng khu tập thể và Quyết, Vinh (cùng trường Nguyễn Trãi) và Đức ở Ngọc Hà… Vũ Trung (con trai bác Vũ Kỳ, thư ký Bác Hồ), Khoa, Hiển, Long… ở Thụy Khuê; Toàn, Hiếu, Long “đen” ở Bưởi… và có cả Lê Văn Nho (nhà ở 46 Hoàng Hoa Thám), Thấn cùng Hải (người dân tộc Khơ-me) bạn học lớp 10E và Đạt, Vỹ, Hai bạn Thắng ở Lý Nam Đế, Phương Bình ở Tràng Thi, Lâm ở Phan Đình Phùng (đang học đại học Thuỷ lợi thì nhập ngũ, sau chuyển sang Trung đoàn 56 và bổ sung vào Sư đoàn 325) vào bộ đội đã thân nhau và nhiều bạn khác mỗi khi nhắc lại đều thân thương.
Chúng tôi được huấn luyện tăng cường ở Đại đội 42, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 59 Bộ tư lệnh Thủ Đô. Đến khoảng tháng 5, 6 năm 1972 thì được về phép thăm nhà 7 ngày để lên đường đi B. Ngày cuối của đợt về phép mẹ tôi chạy vạy khắp nơi để tìm mua 3 cái phao bơi cho ba đứa. Hồi kháng chiến chống Pháp, bà tham gia cách mạng và thường rất sợ mỗi khi phải bơi qua sông. Chúng tôi cũng chẳng biết đêm cuối bên những đứa con trai của mình, ba bà mẹ đã khóc hết bao nhiêu nước mắt, cũng không đứa nào biết được đó là lần cuối cùng Y Hòa, Hưng, Nho… và bao nhiêu chàng trai Hà Nội khác được nhìn thấy mẹ.
Tháng 7-1972 chúng tôi lên tàu hỏa tại ga Thường Tín-Hà Tây, đi ô tô qua các binh trạm hành quân vào đến một làng ven sông Lam ở Thanh Chương, Nghệ An, rồi bổ sung vào Sư đoàn 312. Chúng tôi không được ở cùng đại đội như khi hồi nhập ngũ nữa, tôi về Tiểu đoàn 17 Công binh, Hưng, Y Hòa và Vũ Trung về Đại đội 16, Trung đoàn 209. Thật ra ban đầu Y Hòa được biên chế về thông tin nhưng cán bộ đơn vị thấy trên tay có hình xăm xanh lè nên có ý không thích. Y Hòa cũng không tự ái gì mấy và nguyện vọng tha thiết xin được vào đơn vị cầm súng chiến đấu chứ không muốn ở tuyến sau. Sư đoàn chúng tôi hành quân theo đường binh trạm vào đến khu rừng ở huyện Quảng Ninh-Quảng Bình, trước khi xuống huyện Lệ Thủy để đi vào T70 (Bãi Hà). Chúng tôi gặp nhau lần cuối ở đó. Chiều hôm ấy ở ven một cánh rừng binh trạm, tôi cùng Hưng, Y Hòa và Vũ Trung ngồi bên nhau, chia sẻ cho nhau những gì còn lại sau chặng đường hành quân, dặn dò nhau nhiều điều. Lúc chia tay, hình như linh cảm xấu mách bảo tôi điều gì. Trong khi các bạn chỉ rơm rớm nước mắt thì tôi lại bật khóc như mưa, như gió. Suốt cả cuộc đời, chưa có bao giờ tôi lại khóc nhiều đến vậy. Y Hòa và Hưng dụi cặp mắt đỏ hoe, ôm lấy tôi ra sức an ủi. Chiều sẫm dần, tôi cố nén khóc men theo con đường rừng trở về vị trí dừng chân của trung đội, đi một quãng xa ngoái lại còn thấy hình dáng ba người bạn nhập nhòe trong bóng tối đang lan tỏa từ bìa rừng rồi lẫn vào hoàng hôn tím sẫm.

Tiểu đoàn công binh 17 cử 1 trung đội đi lẻ, phối thuộc ở Trung đoàn 165 và bảo đảm cho một bộ phận sư đoàn bộ vào trước chỉ huy tại Quảng Trị. Từ cuối tháng 7-1972 tôi theo trung đội làm nhiệm vụ khắp các vùng phía tây bắc thành Quảng Trị. Hết làm hầm chỉ huy ở khe Trai, khe Cóc, làm công sự tại Phượng Hoàng, Ái Tử, Đá Đứng… và các chốt, lại đi bố trí mìn, tham gia chốt cùng bộ binh trên những điểm chốt vùng bên Tân Lệ, Tân Mỹ, các chốt ven sông… Có một buổi chiều đầu tháng 9-1972 ở Ái Tử, tiểu đội trưởng nói tiểu đội tôi phải ở đây để sẵn sàng sang sông vào Thành đi với thủ trưởng. Khi chúng tôi đã đào xong hầm ven nền đường sắt, tiếng bom đạn cũng đã ngớt, tôi cùng Nguyễn Trọng Hưng, người ở Ninh Hiệp-Gia Lâm rủ nhau ra khỏi hầm đi kiếm mấy ngọn rau dại ăn cho đỡ xót ruột. Chúng tôi thận trọng bò sát mặt đất trườn xuống bãi đất vì tại đấy pháo địch bắn nhiều, OV10 bay suốt ngày trên đầu. Cạnh bờ sông nơi duy nhất, không hiểu sao còn có được chút màu xanh cây cỏ. Tôi đang ra sức ngắt thật nhiều những ngọn rau tàu bay và những nắm rau lá lốt nhét vào cái túi mìn Claymore đeo bên sườn thì chợt nghe Trọng Hưng gọi: “Sơn ơi, lại đây này”, tôi lom khom chạy lại. Trọng Hưng đang nằm phủ phục bên một dãy mộ 5 ngôi đất đắp còn mới nguyên, mỗi chiếc mộ có dựng một tấm bia bằng vỏ thùng lương khô, các tấm bia đều được đục tên các liệt sĩ, quê quán, đơn vị, nét đục bằng đinh tống chốt trong bộ phụ tùng khẩu AK trông thật vội vã, xiên xẹo.

Hưng chỉ cho tôi một tấm bia đề “Nguyễn Trọng Hiệp, Gia Lâm-Hà Nội, đơn vị Pháo binh” và nói giọng nghèn nghẹn: “Sao mà giống tên anh tao quá, cũng ở Gia Lâm, cũng ở Pháo binh mày ạ, lẽ nào…”.

Tôi cố át đi: “Thiên hạ thiếu gì người trùng tên. Chắc không phải đâu” nhưng rồi cả hai đều im lặng. Chúng tôi bốc đất bằng tay đắp điếm thêm cho mấy ngôi mộ, cũng chỉ là nghi thức chứ không đắp được cao hơn vì chỉ có tay không…

Mấy hôm sau trung đội tôi nhận lệnh về bến Đá Đứng, sông Ba Lòng, bờ bên Triệu Phong, bên kia là cuối thôn Như Lệ, Tân Lệ, Tân Mỹ gì đó để làm nhiệm vụ bảo đảm bến, chèo thuyền cao su vận chuyển đạn dược qua sông tiếp cho các đơn vị chốt bên thôn Như Lệ, Tích Tường, La Vang, động Ông Do, cao điểm 52. Đạn chở qua sông chủ yếu là H12, cối 60, 82, đạn 12,7mm, mìn ĐH 7… lúc này bên bờ sông thấy các đơn vị của Sư đoàn 325 về chốt cùng khu vực bên này sông với chúng tôi và tăng cường bên Như Lệ, Tích Tường, vì địch có ý định nống ra, sang bờ bắc sông Ba Lòng…

Tôi cũng chẳng phải là người thạo nghề sông nước gì nhưng đã từng bơi thuyền Peritxoa ở Hồ Tây nên được giao việc này. Việc chèo thuyền qua sông chỉ vào ban đêm dưới đạn pháo thật nguy hiểm, do bến bị lộ. Bên cao điểm 29 nhìn thấy bến, OV10 quần trên đầu từ sáng sớm, cho đến tối phát hiện được gì lại bắn pháo khói, gọi F4 đến ném bom hoặc chỉnh cho pháo dàn bắn, ngày nào cũng bị pháo dàn bắn đôi lần, hình như nằm trong bãi tọa độ, tuần nào cũng bị B52, vì mỗi lần bị B52 thì tại bến và chỗ hầm của trung đội bao giờ cũng bị dính loạt 3, còn loạt 1, 2 bên Như Lệ, các chốt bên Hải Lăng.

Mùa mưa nước sông chảy xiết, sang được đúng bến bờ kia thuyền trôi vài trăm mét là thường và vất vả lắm, trung đội không ai biết chèo thuyền nên tôi đảm nhiệm. Công việc này tuy nguy hiểm do đạn pháo bắn tại bến sông thường xuyên nên chúng tôi hay vớt được cá và có cơ hội kiếm được thuốc lào, thịt hộp để cho anh em trung đội cải thiện. Thỉnh thoảng tôi còn được gặp bạn nhưng chủ yếu là những người bị thương ở chốt, chuyển ra trạm phẫu. Có lần nhận được thư trên chốt, do đội vận tải đưa, thư viết nghuệch ngoạc, các đồng chí ấy trách sao chỉ có đạn mà không có thuốc lào và thịt hộp, mắm tôm… vừa buồn, vừa thương đồng đội, vì mình cũng chả có. Ở chốt còn có thể đi đâu được, làm được gì để cải thiện.

Lần nào chở đạn sang sông tôi cũng tìm cách dò hỏi tin tức của Hưng, Y Hòa, Nho và Vũ Trung những người bạn thân mà chẳng biết được gì. Tôi ở cách đồi Cháy chỉ khoảng 300m đường chim bay thế mà chẳng gặp được các bạn tôi. Cho đến một hôm khi chở thương binh từ phía bên Như Lệ về, tôi gặp một anh bạn cùng nhập ngũ, sau này gặp nhau kể lại mới nhớ tên là Quyết mới được biết Y Hòa và Chấn Hưng, Nho, Long “đen”, Long “cai”, Hiếu… đã hy sinh trong các trận đánh giữ chốt ở đồi Cháy làng Như Lệ và các nơi khác. Tôi đau đớn quá, nhưng không hiểu sao lại không khóc nhiều như lúc chia tay, có lẽ những trận đánh ác liệt, nhìn thấy đồng đội hy sinh nhiều đã làm chúng tôi trở nên cứng rắn hơn, cũng có thể nỗi đau ấy đã lặn vào trong sâu thẳm tâm hồn mà hút cạn khô nước mắt người lính trẻ chúng tôi.

Đại tá: Phan Đức Tuấn

7 nhận xét:

  1. Nhân dịp kỷ niêm ngày Thương binh liệt sỹ năm nay 27-7-2010 tôi và anh em Trỗi ở CHLB Đức xin thắp nhang và cầu siêu cho hương hồn Liệt sỹ Y Hòa,Chấn Hưng, Ngô Tất Thắng, Bùi Lâm,...và các Liệt sỹ là Học sinh Trỗi đã nằm lại miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.Tôi và anh em bên này rất xúc động khi đọc những dòng ghi chép nóng bỏng khói lửa chiến tranh và những bức ảnh ghi lại những tình cảm của các bạn đi tìm mộ của Y Hòa và Chấn Hưng,...và bà con địa phương nơi các anh đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Chúng ta cảm ơn anh Phan Đức Tuấn, anh Thanh Sơn và Báo QDND Online đã đưa những thông tin xác thực và tình nghĩa này đến bạn đọc gần xa.

    Trả lờiXóa
  2. Tết năm 72.Tôi và Long đen hai đứa nằm gác chân lên nhau trong lán.Bằng cái giọng dân Bưởi nặng nặng,Long kể về gia đình mình mà rơm rớm nước mắt.Lý do cậu bỏ trốn về thăm gia đình trước đó.Nó làm tôi nhớ về Long mãi,không thể quên.

    Trả lờiXóa
  3. Xin dâng một nén hương thơm để tưởng nhớ đến hương hồn các liệt sỹ.

    Trả lờiXóa
  4. Thời sự trưa nay thấy anh T.Nhân (K5) Phó thủ tướng tới thăm gia đình LS Thảo (K7), mừng cho gia đình được trên chiếu cố, Không biết bác ấy có nhận ra thằng em Trỗi này không?
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  5. BBT quyết định đưa bài viết này vào Tập 3.
    KQ

    Trả lờiXóa
  6. Sáng nay gặp HLV Karate Lê Công và cafe với nhau. Được biết HLV Lê Công cũng là người đã từng lăn lộn tại vùng Như Lệ - tích Tường, biết rất rõ về đồi Cháy và Y Hòa cùng các đồng đội ở đây. Anh Lê Công cứ nhắc đi nhắc lại: "Bọn Y Hòa ở đồi Cháy đánh rất lỳ".

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!