Thế là đã ngừng được một việc mà lẽ ra phải ngừng từ mấy ngày trước rồi. Chỉ có những nhà quản lý mới biết cụ thể công sức, tiền của đã chi phí cho việc tham gia cứu hộ máy bay mất tích mấy ngày qua nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ so với quỹ tìm kiếm cứu nạn của ta. Việc tham gia cứu hộ ban đầu là cần thiết, nhưng ngay từ khi bạn chuyển hướng sang tìm ở phía Tây thì ta cũng nên tuyên bố "stop" chứ không nên lãng phí tiền của như thế. Nước mình nghèo mà nhìn đâu cũng thấy những việc lãng phí. Lại nói về ngành đại học, nơi mà mình còn biết đôi điều qua câu chuyện sau đây:
Năm học 2010-2011, từ khóa K55 của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, bỗng nhiên có một chuyện từ trên ... rơi xuống. Ấy là khoảng hơn 6 trăm sinh viên năm thứ nhất của 5 trường: Khoa học Tự nhiên, Công nghệ, Kinh tế ... không học chuyên môn Tóan, lý hóa sinh văn học vv .. mà tập trung cả về học tiếng Anh ở Sư phạm Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN trong 1 năm. Cơ sở vật chất, giáo viên, kí túc xá, vv ... chưa sẵn sàng tiếp nhận 600 sv một lúc nên việc dạy và học láo nháo, thế mà sinh viên cứ mỗi tháng lại lên được một cấp độ tiếng anh (trong khi nếu học tại một nước nói tiếng Anh thì phải 3 tháng mới qua được một cấp độ tương đương). Sinh viên thì ngao ngán, ngỡ ngàng vì cứ tưởng vào đại học thì sẽ được học môn mà mình yêu thích ngay, nhiều em ở nông thôn ra, điểm tiếng anh trong học bạ chỉ là điểm vờ, nay chạy 1 tháng 1 cấp độ thì sau 3 tháng thực chất vẫn gần như dậm chân tại chỗ. Kết quả là LBNga vớ may có nhiều sv tài năng du học: Chỉ riêng lớp cử nhân Tài năng và Tiên tiến Hóa học đã có hơn 10 em bỏ trường đi Nga du học, trong khi mấy năm trước đó không một em nào bỏ chương trình đào tạo bằng tiếng Anh để đi Nga vì đa số thích đi du học ở các nước nói tiếng anh hơn. Có không ít em bỏ chương trình học bằng tiếng anh, xin quay lại học chương trình học bằng tiếng việt.
Sau này thêm rất nhiều tiền được đầu tư vào để tiếp tục dự án tập trung sinh viên học 1 năm tiếng anh cho các chương trình đào tạo chuyên ngành bằng tiếng anh. Tuy nhiên đối với đa số sv, trình độ tiếng anh các em được trang bị sau 1 năm là chưa đủ nên việc học đại học bằng tiếng anh là quá khó, do đó các em nắm chuyên môn khá lơ mơ, không chắc như các bạn cùng khóa học bằng tiếng việt. Chưa hết buồn, chỉ khóa đầu tiên - K51- các em được học hòan toàn với các giáo sư hàng đầu của trường Illinois Hoa Kỳ - , thậm chí là hàng đầu trong một số chuyên ngành Hóa - vừa chuẩn về kiến thức, hay về phương pháp giảng dạy mới mẻ, thầy cô nhiệt tình và tất nhiên tiếng anh cực hay. Khi việc chuyển giao công nghệ chưa hoàn thiện thì việc mời giáo sư Mỹ đã bị ngưng lại, nhường cho giảng viên VN. Thế nên ... có không ít tiết học của các em vẫn bị dạy bằng tiếng Việt, có thầy dạy bằng tiếng anh thì sinh viên phát ớn vì thầy nói còn sai hơn cả trò, đấy là chưa kể thầy không biết hết tên trò chứ đừng nói đến việc biết mặt và giao lưu với từng sv như các giáo sư Mỹ. Không ít sinh viên cho rằng học một tuần với giáo sư Mỹ còn tiến bộ hơn học 3 tháng với thầy cô Việt.
Một điều cực kỳ phi lí là trong điều kiện học tập thiếu thốn mà nhà trường đòi hỏi các em có đầu ra 7.0 IELTS. Bất công hơn nữa, trong cùng một khóa sẽ ra trường hè năm nay, K54, có một số em lại chỉ phải yêu cầu 6.0 là được cấp bằng tốt nghiệp (đa số là những em Hà Nội và những em có điều kiện hoặc có năng khiếu tiếng anh), vì các em may mắn đã đạt 6.0 từ thời điểm ĐHQGHN yêu cầu 6.0 mấy năm trước. Nay bỗng ai đó nghĩ ra yêu cầu 7.0 thế là những em (đa số ở nông thôn ra) trước đây chưa đạt 6.0 thì bây giờ phải qua 7.0 mới được nhận bằng tốt nghiệp. Kể từ khi có thông báo chuẩn đầu ra 7.0 sv tá hỏa bỏ tiền đi học thêm tiếng anh bên ngoài trong khi lẽ ra phải tập trung học tốt chuyên môn và làm luận văn tốt nghiệp ở những tháng cuối. Ai đã từng thi tiếng anh hoặc có con thi tiếng anh thì biết ngưỡng 7.0 khó đạt thế nào. Hầu như không mấy ai tự học mà được. Bằng thì do trường cấp, nhưng học thì các em phải bỏ tiền ra ngoài học vì học trong trường đâu có được 7.0, thật bất công. Của người phúc ta đấy.
Lẽ ra sau một năm đào tạo thấy không hợp lí và có quá nhiều ý kiến phản đối thì nên bỏ chương trình (nhiệm vụ chiến lược), trở lại dạy các môn bằng tiếng việt kết hợp dạy tiếng anh tăng cường và tiếng anh chuyên ngành để đến năm cuối các em có thể bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng tiếng anh. Việc duy trì các chương trình giảng dạy bằng tiếng anh khi chưa chuẩn bị sẵn sàng trong những năm qua ở ĐHQGHN là sự lãng phí tiền không chỉ của nước, mà cả của dân vì những quyết định không thấu đáo. Làm lãnh đạo ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng chỉ người biết nghe lời ngay, dám nhận sai và sửa sai thì mới thực sự có ích và nhận được lòng tin yêu của mọi người, nếu không, khi chưa hết nhiệm kỳ đã bị người ta coi chẳng ra gì.
Đến một thời điểm nào đó, việc dạy và học đại học bằng tiếng anh là lẽ bình thường khi các em đã được học phổ thông bằng tiếng anh, chứ chưa phải bây giờ. Việc dạy tiếng anh ở phổ thông cũng nên thể theo nguyện vọng và điều kiện mỗi học sinh. dạy đại trà cũng là tốn kém và không hợp lí..
Làm như ĐHQGHN thế là còn "đỡ" đấy. Mấy năm trước HVQY cũng dự định dạy thí điểm chuyên môn bằng tiếng Anh! Khổ nỗi chuẩn của khối B làm gì có điểm ngoại ngữ! Các ổng tưởng có vài thầy học nước ngoài về, có khả năng làm việc với người ngoại quốc là có thể dạy học sinh chuyên môn bằng ngoại ngữ mà không tính đến trình độ ngoại ngữ chung của sinh viên và khả năng dạy ngoại ngữ của HV không chuyên ngữ này.( Có đ/c trưởng khoa ngoại ngữ của học viện này lúc thi ADFELPS - tương tự IELTS nhưng dễ hơn- chỉ được 4 điểm).
Trả lờiXóaCác cụ có câu: tiểu nhân thích thành tích, Quân tử thích thành quả.
Trả lờiXóa