PHẠM ĐÌNH TRỌNG*
Cán bộ quản lí Nhà nước yếu kém và lười
biếng, sợ việc, sợ trách nhiệm, quen lối quản lí bằng mệnh lệnh hành
chính vừa dễ dàng, vừa nhàn nhã, lại phô trương được quyền uy vì thế cứ
cái gì phức tạp, khó quản lí liền ra lệnh cấm đoán là xong . Nghị định 72/2013 qui định: Trang thông tin cá nhân trên mạng internet chỉ được
đưa tin của chính mình, không được trích dẫn, tổng hợp tùy tiện thông
tin từ các cơ quan báo chí là sản phẩm của cách quản lí đó! Đó là một
mệnh lệnh hành chính vi Hiến, là sự cấm đoán tước đoạt quyền Con Người.
Chỉ có con vật mới chỉ biết bản thân
nó. Con Người là sinh vật xã hội. Phần sinh vật là phần di truyền do cha
mẹ sinh ra. Phần xã hội do Con Người đó tự sinh ra mình bằng cách tiếp
nhận nền văn hóa xã hội của loài Người để hình thành nên Con Người xã
hội của mình. Con Người xã hội không thể tách ra khỏi xã hội. Con Người
xã hội sống không thể chỉ cho riêng mình Ngay từ thời xã hội Việt Nam còn trì
trệ trong nền văn minh nông nghiệp cơ bắp: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu /
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, còn khép kín trong văn hóa làng xã:
Phép vua thua lệ làng, con người xã hội đã được đề cao: Quốc gia hưng
vong, thất phu hữu trách, nước nhà thịnh suy, mọi người Dân đều phải
quan tâm, đều phải có trách nhiệm.
Đi qua nền văn minh nông nghiệp, bước
vào nền văn minh công nghiệp, Con Người xã hội không phải chỉ quan tâm
lo toan đến những vấn đề của quốc gia, dân tộc mình mà còn phải bận tâm
nghĩ suy, tham gia kiến giải những vấn đề của hành tinh, của loài người.
Ngày nay loài người đã đi qua nền văn
minh công nghiệp, bước vào nền văn minh tin học. Không phải chỉ rút ngắn
mọi khoảng cách không gian, thời gian, nền văn minh tin học còn nâng
Con Người xã hội lên vị trí rất cao. Với văn minh tin học, mọi người Dân
bình thường đều tiếp cận được với những vấn đề đang đặt ra của đất nước
mình và của thế giới.
Văn minh công nghiệp đã thỏa mãn được
những nhu cầu rất cao của Con Người sinh vật. Văn minh tin học lại đáp
ứng những nhu cầu ngày càng cao của Con Người xã hội, nâng cao vị trí
của Con Người xã hội, mở rộng những vấn đề quan tâm, lo toan của Con
Người xã hội. Thế mà giữa thời văn minh tin học ở một Nhà nước vẫn tự
nhận là đỉnh cao trí tuệ lại có nghị định buộc trang thông tin cá nhân
trên mạng toàn cầu chỉ được đưa tin về chính mình, không được trích dẫn,
tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí! Cấm người Dân không được
trích dẫn tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí thực chất là cấm
người Dân bàn luận, kiến giải những vấn đề các cơ quan báo chí đã thông
tin.
Những trang facebook, blog, website dù
của cá nhân nhưng không phải chỉ là những trang nhật kí cá nhân, chỉ
chứa đựng thông tin cá nhân. Nếu chỉ là trang nhật kí, thông tin cá nhân
thì chả cần dùng internet, chẳng cần phải lên mạng toàn cầu. Facebook,
blog, website là công cụ không thể thiếu của Con Người xã hội thời văn
minh tin học để Con Người xã hội được bộc lộ chính kiến về những vấn đề
xã hội, để Con Người xã hội của những người Dân bình thường được thể
hiện mình, được tham gia bàn bạc, kiến giải những vấn đề xã hội của đất
nước, của loài người. Facebook, blog, website cho người Dân được sử dụng
tốt nhất quyền tự do ngôn luận đóng góp cho xã hội.
Nghị định 72/2013 buộc những trang
thông tin cá nhân trên mạng internet chỉ được đưa tin cá nhân, không
được trích dẫn, tổng hợp lại thông tin trên báo chí đã vi phạm điều 69
Hiến pháp hiện hành: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Nghị định 72/2013 đã chống lại một tư
tưởng Nhân văn hiếm hoi của chính Nhà nước Cộng sản Việt Nam, tư tưởng
Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra. Nếu không chống lại thì nghị
định 72/2013 đã vạch trần sự giả dối, nói một đằng làm một nẻo của Nhà
nước Cộng sản Việt Nam khi những quan chức lãnh đạo Nhà nước Cộng sản
Việt Nam miệng leo lẻo nói Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra
nhưng tay lại ném vào mặt Dân nghị định 72/2013 cấm Dân không được bàn
luận những vấn đề xã hội trên những trang thông tin cá nhân mạng
internet.
Nghị định 72/2013 cũng tước đoạt một
quyền cơ bản trong những quyền đương nhiên của Con Người, quyền: “Mọi
Người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao
gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông
bất kể biên giới.” (Tuyên ngôn quốc tế Nhân Quyền được Đại hội đồng
Liên hiệp quốc thông qua từ năm 1948 và Nhà nước Việt Nam kí kết thực
hiện từ năm 1982)
Nghị định 72/2013 buộc các trang mạng
xã hội của cá nhân chỉ được đưa thông tin cá nhân, không được trích dẫn,
tổng hợp thông tin của các cơ quan báo chí đã thô thiển, thấp hèn hóa
Con Người, là một nghị định lạc lõng với thời đại.
Những trí thức thực sự có tầm hiểu biết
sâu rộng, đương nhiên trang mạng cá nhân của họ không thể thiếu những
bài viết về những vấn đề xã hội với những phát hiện sâu sắc ở góc nhìn
văn hóa. Những bài viết đó vô cùng có ích cho xã hội, càng có ích cho
nhà quản lí xã hội. Cấm trang mạng cá nhân của trí thức không được bàn
những vấn đề xã hội, chỉ được đưa thông tin cá nhân, nghị dịnh 72/2013
là một nghị định ngu Dân.
Một nghị định Nhà nước thời tin học mà
cấm trang thông tin cá nhân trên mạng internet không được đưa thông tin
xã hội, chỉ được đưa thông tin về chính mình thì Con Người xã hội của
người soạn thảo nghị định nhỏ bé đến mức như không có. Không có Con
Người xã hội, chỉ có Con Người sinh vật, Con Người đó lại ở vị trí quản
lí Nhà nước là thảm họa cho người Dân, là điều xỉ nhục cho một đất nước
văn hiến.
Nghị định 72/2013 là sự hốt hoảng của
một Nhà nước độc tài trước sự lớn mạnh nhanh chóng, mạnh mẽ của những
trang cá nhân nói tiếng nói thẳng thắn, trung thực của người Dân về
những vấn đề xã hội hàng ngày và những vấn đề khẩn thiết của đất nước.
Thẳng thắn, trung thực, những tiếng nói đó không thể đồng thuận, nương
nhẹ với những chủ trương, chính sách và việc làm của một Nhà nước tham
nhũng đang đi ngược lại lợi ích của người Dân
Với một Nhà nước dân chủ, người Dân
tham gia luận bàn, kiến giải những vấn đề xã hội được thông tin trên báo
chí là điều quá bình thường, lành mạnh. Càng có nhiều ý kiến phản hồi
ngược chiều về những vấn đề xã hội của người Dân, Nhà nước càng mở rộng
tầm nhìn, càng có thêm nhiều góc nhìn và điểm sáng tư duy, càng năng
động kịp thời điều chỉnh những hoạt động của Nhà nước phù hợp với cuộc
sống và lòng Dân. Với Nhà nước độc tài, quen độc quyền chân lí, độc
quyền lẽ phải, coi mọi ý kiến khác biệt đều là “thế lực thù địch” và khi
“thế lực thù địch” xuất hiện đông đảo, mạnh mẽ trên các trang mạng cá
nhân thì hốt hoảng đến rối trí vội ban hành nghị định 72/2013: Cấm! Cấm!
Cấm!
Tôi mong cơn hốt hoảng mau qua đi,
những người soạn thảo nghị định 72/2013 bình tĩnh, tỉnh táo, khôn ngoan
trở lại mà ngôn ngữ dân gian nói là “khôn hồn” thì chỉnh sửa lại ngay
ghị định 72/2013, bãi bỏ ngay nội dung tước đoạt quyền Con Người, thấp
hèn hóa Con Người và ngu Dân khi qui định, trang mạng xã hội của cá nhân
chỉ được đưa thông tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp thông
tin trên các cơ quan báo chí.
P.Đ.T. (Nguồn ABS)
*Không phải thày giáo trường Trỗi
Bài viết hay quá!Tôi ủng hộ ý kiến này.NĐ72/2013 quá vô lý.
Trả lờiXóaỞ Việt nam, việc quản lý xã hội, cái gì mà "hạt bí", không quản lý được thì cấm.
Trả lờiXóaCó sự hiểu nhầm về Nghị định 72
Trả lờiXóa"...ý kiến của nhà báo Nguyễn Vạn Phú: “Quy định này nhằm chấm dứt tình trạng lấy lại tin bài trên các báo, đăng nguyên văn mà không xin phép, rồi đôi lúc còn sửa đổi nội dung, giật tít mang tính câu khách của nhiều trang mạng. Đây là chuyện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà báo chí đã lên tiếng trong thời gian qua”...
"Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã phát biểu: Những thông tin tổng hợp, thông tin chính thức của các cơ quan báo chí còn liên quan đến vấn đề bản quyền, vấn đề của cơ quan báo chí, không thể lấy từ chỗ này đặt sang chỗ kia được, mà phải trích dẫn, xin phép, đồng ý. Hay, thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc của các tổ chức, không thể lấy đưa lên rồi làm thành tin tức của mình được. Đấy là qui định chung về Luật Dân sự và qui định của pháp luật về Luật Sở hữu trí tuệ”. Cũng là bạn Trỗi nhé :-)