Cách đây gần tuần trên UT có bài GS Trọng dự buổi chất vấn thủ tướng Anh - David Cameron. Xem buổi chất vấn thủ tướng Anh trước Nghị viện, thể hiện nền dân chủ nghị viện của "tư bản giãy chết" như thế nào. Tác giả Huỳnh Văn Úc đã có bài nói rõ hơn về buổi chất vấn đó.
Huỳnh Văn Úc
Theo lịch trình chuyến thăm nước Anh, ngày 23/1/2013 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tới chứng kiến phiên chất vấn Thủ tướng nước Anh với tên tiếng Anh là Prime Minister’s Question Time, viết tắt là PMQ. Trong một năm có khoảng 20 phiên PMQ diễn ra vào ngày thứ tư của tuần từ 12 giờ đến 12 giờ 30 phút. Trong 30 phút đó Thủ tướng sẽ phải trả lời sáu câu hỏi từ lãnh đạo đảng đối lập chính, hai câu hỏi từ lãnh đạo đảng đối lập lớn thứ hai và rất nhiều câu hỏi từ các dân biểu về bất kỳ vấn đề gì.
Thật đáng tiếc là thời tiết đỏng đảnh của nước Ý –nơi mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dừng chân trước khi tới London- làm cho ông có triệu chứng bị cảm nên ông không thể đến dự PMQ vào hôm thứ tư 23/1/2013. Thay vào đó Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng ba quan chức Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Anh Vũ Quang Minh đã đến phòng họp 20 phút trước khi phiên PMQ bắt đầu. Vừa ngồi yên vị các vị khách Việt Nam đeo ngay tai nghe để theo dõi các diễn biến. Thủ tướng David Cameron xuất hiện lúc 12 giờ kém 2 phút trong tiếng reo mừng của dân biểu Đảng Bảo thủ của ông. Như thường lệ, câu hỏi đầu tiên hỏi về lịch trình làm việc của Thủ tướng trong ngày. Trước khi trả lời, ông Cameron khen ngợi lòng dũng cảm của một quân nhân Anh vừa thiệt mạng ở Afghanistan và chia buồn với gia đình liệt sĩ. Sau một hai câu hỏi của dân biểu là màn đối đầu kịch tính chừng 10 phút giữa ông Cameron và lãnh đạo đảng Lao động đối lập Ed Miliband. Chủ đề tranh luận duy nhất giữa hai chính trị gia ngồi mặt đối mặt qua chiếc bàn lớn ở giữa là tương lai của nước Anh trong Liên hiệp châu Âu (EU). Ông Cameron buối sáng hôm đó vừa có diễn văn nói về sự cần thiết phải cải tổ châu Âu theo hướng mở và linh hoạt hơn. Vị Thủ tướng cũng hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để người dân đưa ra quyết định có nên tiếp tục là thành viên của EU nữa không. Ông Ed Miliband hỏi đi hỏi lại về chuyện ông Cameron sẽ bỏ phiếu như thế nào trong một cuộc trưng cầu dân ý như thế nhưng vị Thủ tướng kiên quyết không trả lời thẳng câu hỏi. Khi bị đối thủ tiếp tục truy kích về chuyện ông có khuyến cáo người dân bỏ phiếu rời bỏ EU một cuộc trưng cầu dân ý nếu Anh không đạt được những gì mong muốn trong đàm phán với EU, ông Cameron dùng tới khiếu hài hước và sự thách thức: "Trước hết thật đáng hoan nghênh là ông ấy chấp nhận khả năng Đảng Bảo thủ sẽ thắng trong cuộc bầu cử sắp tới " ông Cameron nói trong tiếng hò reo ủng hộ của dân biểu Bảo thủ cũng như tiếng cười của quan khách.
Ông Nguyễn Xuân Phúc chăm chú theo dõi phiên chất vấn. Đôi lúc người ta thấy trên vầng trán cao của ông có những nếp nhăn, đôi lông mày rậm nhíu lại. Có thể là ông không hài lòng về một điều gì đó. Mà ông không hài lòng là phải. Là một trong mười bốn cột trụ của quốc gia ông đã từng có mặt trong những phiên chất vấn. Chất vấn của mình nó nghiêm túc, có khi mặt lạnh như tiền, có khi mặt gân guốc như đâm lê. Anh nào có tật giật mình khi bị chất vấn thì mặt mày xanh xám. Chất vấn của bọn tư bản giẫy chết cứ như trò đùa. Bàn chuyện quốc gia đại sự mà cứ như làm trò con nít, có cả tiếng hò reo và tiếng cười. Thật chẳng nghiêm túc một tí nào!
Nguồn: TranNhuong.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!