Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Chuyện của cô Nguyễn Thúy Lan

Trong căn phòng nhỏ dưới mái nhà cổ 34A Cao Bá Quát, cô Nguyễn Thúy Lan bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về trường Nguyễn Văn Trỗi, trong đó có bóng hình người chồng đầu tiên của mình. Nghẹn ngào và cố ngăn dòng nước mắt ngập nặng hai hàng mi của người phụ nữ dù đã ở tuổi 74 nhưng vẫn còn rất đẹp, cô thủ thỉ những lời tâm sự: Chú Nguyễn Nhật Tân: Chú Nguyễn Nhật Tân và cô tìm hiểu nhau trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Chú từng là thủ khoa khóa I ngành Hóa học trường Đại học Bách khoa HN. Ra trường, chú là giáo viên trường Hậu cần bên Gia Thượng. Khi chiến tranh lan rộng ra miền Bắc chú được bổ xung vào đơn vị tên lửa đầu tiên. Đám cưới của cô chú được tổ chức khoảng 4-5 ngày trước khi cô theo trường mình sang Trung Quốc còn chú theo đơn vị tên lửa vào phía trong. Sau này cô mới biết khi đó đơn vị chú được giao nhiệm vụ tìm hiểu cách đánh B52 mà theo như sự tiên đoán tài tình của Bác Hồ thì Mỹ sẽ dùng B52 đánh phá miền Bắc và chỉ có một trận đánh dập đầu B52 tại miền Bắc mới có thể làm thay đổi cán cân trên bàn đàm phán của ta với Mỹ tại Pari. Chuyện cổ tích: Sang trường ít lâu, cô nhận được một bức điện tín của chồng cô báo tin chú sẽ ra Hà Nội họp 10 ngày và hỏi cô có về Việt Nam được không? Cô nghĩ chú chỉ hỏi vu vơ thế thôi vì đang chiến tranh, cô lại ở tận Quế Lâm, Trung Quốc thì làm sao gặp chú được. Ấy thế mà chính chú lại là người ngỡ ngàng khi chỉ vài ngày sau đó, cô “từ trên trời rơi xuống” như trong chuyện cổ tích, bước ra khỏi một chiếc xe Volga đen trước căn hộ của gia đình chú ở khu tập thể Kim Liên. Người chấp bút cho câu chuyện cổ tích ấy chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh Cả của tòan quân, với sự cảm thông vô bờ dành cho hai chiến sỹ trẻ “Ngưu Lang Chức Nữ” của mình: Dịp đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc công tác có ghé qua thăm trường, còn cô đã thôi dạy tiếng Trung mà chuyển sang làm công tác đối ngoại nên được đi theo đoàn. Khi tiễn đoàn ra sân bay, bác Hoàng (bí thư của tướng Giáp, là bố của em Cường, hình như là học sinh khóa 2) có hỏi cô “... nếu bây giờ tôi xin phép thủ trưởng Văn cho đồng chí về thì đồng chí nghĩ sao?”. Về nội dung bức điện của chồng, cô có báo cáo với Ban Giám hiệu Nhà trường nên cô đóan chính thầy Quỳnh là người nói lại với bác Hoàng. Khi đó cô chỉ có hai tay không, nhưng mừng run lên trả lời ngay: “Em sẵn sàng về, quần áo em ở Hà Nội còn nhiều lắm, không lo đâu ạ!”. Chuyến chuyên cơ ấy của Đại tướng đã đem cô chú đến bên nhau trong lần hội ngộ cuối cùng. Chẳng bao lâu sau khi cô sang lại trường bên Trung Quốc thì chú hy sinh nhưng nhà trường giấu cô. Thầy Quỳnh bảo: “Đồng chí phải xác định được là nếu bị thương là có thể què chân què tay.” Cô nói: “Vâng, nếu què chân què tay cũng không sao, em đã xác định rồi.” Nào ngờ!... Khi đó cô mới 25 tuổi.
Chuyện như anh Trỗi chị Quyên: Toàn bộ thời gian cô chú được sống bên nhau kể từ ngày cưới chỉ chưa đầy hai tuần, còn ít hơn thời gian chị Quyên được ở bên anh Trỗi. Sống trong cảnh chiến tranh và ngày chia ly luôn cận kề, chú thương cô nhiều lắm. Hồi đó anh Trỗi là thần tượng của cả một thế hệ thanh niên. Khi đưa cô đi xem phim anh Nguyễn Văn Trỗi, chú bảo chú sẽ chiều cô hơn anh Trỗi chiều chị Quyên cơ. Chú xách nước cho cô tắm và làm đủ mọi thứ cho cô. Trường mình được mang tên anh Trỗi, còn cô và nhiều cô khác thì mang số phận như chị Quyên có chồng sớm hy sinh như cô Nhâm, cô Hồng, cô Thục... Các cô ấy còn kịp có được Tùng; Nguyên, Quảng; và Thiên Hương, còn cô chỉ có những kỷ niệm về người chồng tài ba, nhân hậu đã sớm bị chiến tranh cướp đi. Nhiều năm sau đó cô không thể quên người chồng thân yêu để tìm hiểu người khác. Sau khi ở trường Trỗi về, cô thi đỗ và vào học ở trường Dược theo nguyện vọng của chú, rồi ra đi làm. Sau đó cô lấy chồng là chú Triệu Huy Hùng - người mà mẹ chú Tân đã mai mối cho cô khi coi cô là con gái của bà. Vợ trước của chú Hùng mất vì ung thư, để lại cho chú hai cô con gái, còn cô sinh thêm cho chú hai cậu con trai. Lại quay về quân ngũ: Khi làm thủ tục xin về đi học dược, thầy Quỳnh nói cô phải học theo ngành dược của quân đội nhưng cô lựa chọn trường Đại học Dược ở Lê Thánh Tông nên phải ra quân. Khi tốt nghiệp trường dược, là vợ liệt sỹ, cô đựợc ưu tiên trong việc phân công công tác và cũng đã định đi làm ở Bộ Y Tế. Nhưng sau đó, khi lấy chú Hùng, cũng là một quân nhân thì chú đưa cô trở lại quân đội, làm trợ lý dược ở phòng quân y Bộ Tổng Tham Mưu. Thế là cô có trên 30 năm phục vụ trong quân đội với Huân Chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Sau này gặp lại thầy Quỳnh, cả hai phì cười vì trước đấy cô khăng khăng ra quân để được học ở ĐH Dược. Cùng hàng ngũ: Sau khi trường giải thể, có không ít cơ hội để thầy và trò trường Trỗi gặp lại nhau. Hoặc do ở trên cùng một con phố, như phố Lý Nam Đế chẳng hạn, hay gặp nhau trên một chuyến tàu cùng về quê. Đôi khi thầy và trò lại công tác cùng một đơn vị, thậm chí chiến đấu chung một chiến hào. Còn cô và Phượng K6 C11 thì đều là sinh viên trường Dược và có lần cùng đứng trong khối trí thức diễu hành ở quảng trường Ba Đình. Rồi cô miên man trong những kí ức về thầy và trò của trường Trỗi với không ít những câu chuyện vui. Đôi mắt đẹp của cô dần tươi trở lại và tiếng cười giòn vang căn phòng nhỏ nhưng treo đầy những bức tranh sống động tuyệt vời do chính cô thêu khi đã ở tuổi Thất Thập.

4 nhận xét:

  1. Thái viết rất hay và mạch lạc. Cám ơn bạn đã giúp mọi người hiểu thêm về thầy cô trường mình.

    Trả lờiXóa
  2. Em cảm ơn anh Minh đã khen. Trước đây em cứ mơ hồ về sự mất mát do chiến tranh gây nên của ai lớn hơn: của người mẹ mất con, của người vợ mất chồng hay của chính người chiến sỹ đã hy sinh? Khi viết lại câu chuyện này em mới thực sự thấm thía rằng người ngã xuống mất đi tất cả, không sự mất mát nào có thể so sánh được.

    Trả lờiXóa
  3. Thái viết rất hay và tâm huyết.
    Trần Bình - K8

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!