Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

ĐÊM GIAO LƯU CỦA TÌNH NGƯỜI.

Ở Hội An chúng tôi nghỉ trong Resort Đồng quê nằm bên bờ sông Hoài khá thơ mộng. Resort có 4 căn nhà song lập trong khuôn viên gần 2 ha, mỗi căn có 4 phòng. Ý đồ của chủ nhân muốn tạo cho du khách thấy được cuộc sống thôn quê Việt nam. Quanh khuôn viên có con đường làng rợp bóng tre, rải rác là những túp lều giới thiệu các nghề nấu rượu, tráng bánh cuốn, dệt chiếu, làm gốm ..v.v. Ý tưởng thì hay nhưng cachs thể hiện còn có gì đó khiếm khuyết nên tôi cảm thấy nó kênh kênh thế nào, nhìn đâu cũng thấy như có sạn trong nồi. Ngay như cái phòng nghỉ giá 40us, có rộng rãi thoải mái đấy nhưng chỉ có một giường đôi, cái chăn thì nhỏ làm đêm ngủ chúng tôi cứ phải co kéo chỉ thiếu nước cãi nhau
Được cái ông chủ mến khách và hay thơ. Cơm xong ngồi tán dóc dưới bụi tre “ làng “, nghe ông ấy đọc thơ cùng những câu chuyện ngày trẻ thấy vui vui . Là người của chế độ cũ mà thuộc rất nhiều bài thơ miền Bắc. Chúng tôi hứng lên cũng hát mấy bài tiền chiến và cả nhạc vàng nữa, ông chủ hỏi :” Anh là lính Việt cộng mà sao biết hát những bài này ?”
Ngày ấy và cả bây giờ tôi vẫn hát những bài hát nào tôi thích, tôi cảm nhận được tình người trong nó.
Nổi hứng ông kêu tối mai ông sẽ mời một số anh em đến giao lưu, thành phần Việt cộng có, Cộng Hòa có và cả dân ăn cơm Cộng Hòa ,thờ ma Cộng Sản...Chúng tôi đồng ý.
Thế là 35 năm sau ngày thông nhất đất nước, hôm sau chúng tôi cùng dự một buổi giao lưu đủ mọi thành phần thật, ngoài những người lính từ hai phía còn có thêm một số Việt kiều từ Canada, Mỹ và Úc cũng tham gia.
Chiến tranh đã lùi xa, không còn chiến tuyến nữa khoảng cách được gần lại cùng thời gian. Cái ấu trĩ của bên này, cái mặc cảm hằn học của bên kia đã không còn. Mọi người ngồi bên nhau đều là con dân đất Việt, đều đã từng cùng chịu những nỗi đau chiến tranh, thật đồng cảm. Chính kiến , bức xúc hôm nay đâu đó vẫn còn trong mỗi người nhưng đêm nay mọi người gác bỏ và cùng nhau chung tiếng hát, tiếng lòng và nối vòng tay lớn.
Các anh về, Màu tím hoa sim, Hòa bình ơi ...Tiếng hát vang lên một góc phố cổ, bên sông Hoài lặng lẽ bình yên. Những con người của một thế hệ, một thời khói lửa binh đao, một thời chia ly, loạn lạc hôm nay cùng hát bên nhau. Đâu đó nụ cười ấm áp chân tình, đâu đó những giọt nước mắt ngậm ngùi của một lớp người như thế...

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ

 EGK9
Đọc những dòng ghi chép của KV trong đợt về lại Điện bàn, tôi lại nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Dương Hương Ly, một nhà thơ đã viết nhiều câu thơ lắng đọng trong con tim của bao thế hệ thanh niên Việt nam trong thời chống Mỹ cứu nước. Những Đất quê ta mênh mông, Bài thơ về Tình yêu, Bài thơ về hạnh phúc, Xin cám ơn những ngày gian khổ, Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ…tất cả, tất cả đều được gửi đi từ trong bom đạn ác liệt của đất Quảng đà, tất cả đều viết về tình yêu, về nhữg con người của đất Quảng đà. Theo bước chân của những người CCB về lại mảnh đất huyền thoại này, xin trân trọng chép tặng các bạn một vài đoạn trong bài thơ Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ do nhà thơ sáng tác 8/1968

Tôi trở về nơi chưa từng quen biết
Nơi lạ nẻo đường đi lạ dáng người
Nhưng hằng gọi lòng tôi thống thiết
Từ những năm xa xôi
Tôi trở về đất mẹ Quảng nam tôi
Dẫu chẳng nơi đây cất tiếng chào đời
Đất Tổ quốc đâu cũng là đất mẹ
Ôi Tổ quốc mối tình kỳ lạ thế
Càng trong lửa đạn lại càng tươi
….
Sướng vui thay được chiến đấu nơi này
Nơi Ông Ích Khiêm
Nổ phát súng đầu tiên
Vào tên lính thực dân thứ nhất
Nơi sinh thành những Hoàng Diệu, Thái Phiên
Dẫu chết không chịu hàng chịu khuất
Sướng vui thay được chiến đấu nơi này
Đâu đâu cũng gặp những tâm hồn chị Vân, chị Lý
Ôi mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ
Dấu chân ta gặp dấu chân Nguyễn văn Trỗi năm nào
Mắt ta nhìn gặp Lê Độ đẹp sao
Ngẩng đầu trong trận đánh
….
Hỡi em thơ anh thóang gặp trên đường
Mới chín tuổi mười mấy lần đánh giặc
Mìn đặt bên đông, chông gài bên bắc
Xe Mỹ nổ tung, xác Mỹ bay đầu
Còn em ngồi vắt vẻo mình trâu
Cất tiếng cười lanh lảnh
Em có biết em là sức mạnh
Anh đã mang theo suốt nghìn trận đánh
Hỡi em thơ anh thoáng gặp bên đường
Em chính là Quê hương
Con gặp mẹ ở Hòa Châu, Cẩm lệ
Một mình nuôi mấy chục thương binh
Trước súng giặc vẫn kiên lòng bảo vệ
Thương đứa con xa hơn cả đứa con mình
Khi chúng con san bằng quận lỵ Hòa vang
Khi chúng con đánh vào Đà nẵng
Con muốn nói: người làm nên chiến thắng
Chính là Người, mẹ hỡi, mẹ Quê hương
.....
Một lý do nữa khiến tôi muốn chép tặng bài thơ này là vì bài thơ được chép lại từ một tập thơ in trên giấy vàng ố, đã mất bìa mà tôi vô cùng nâng niu. Tập thơ Mảnh đât nuôi ta thành dũng sĩ mà tôi có trong tay là tập sách xuất bản bởi Nhà xuất bản văn nghệ giải phóng Trung trung bộ. In xong ngày 10 tháng 5 năm 1975 tại nhà in Đông phương- Đà nẵng. Một tập thơ có những câu thơ như “Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao” , hay “ Chợt có gì xao xuyến cả hồn anh/ Một đôi mắt đen ngời bên bếp lửa...” được xuất bản tại miền Nam chỉ 10 ngày sau giải phóng đã nói lên được rất nhiều điều, phải không các bạn...

Ảnh minh họa: Trang cuối của tập thơ
Cuộc đời vẫn đẹp sao
Sáng tác: Phan Huỳnh Điểu
Lời: thơ Dương Hương Ly
Trình bày: Ánh Tuyết.

EGK9

Cảnh báo!!!


Học chú ý, vì sao mở bàicó hiện tượng này.

Hình ảnh trường Trỗi tại Nhà kỷ niệm các trường học VN tại Quế Lâm

Anh Cao Cẩm Quỳ vừa gửi bài, ảnh về Nhà kỷ niệm trường học VN tại Quế Lâm. Trong đó có hình ảnh trường ta tại gian "Các trường học thời kháng Mỹ".

Tin ngắn: Bạn Trỗi miền Trung họp mặt 30/4

Bạn Trỗi Miền Trung gặp gỡ nhân lễ 30/4

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Cầu Rạch chiếc

Mời xem VTV nói về trận Đặc công đánh và giữ cầu Rạch chiếc.

30/4- CẦU RẠCH CHIẾC VÀ NHỮNG CHIẾN SĨ ĐẶC CÔNG

Hôm nay 28/4/2010, nhớ lại ngày này 35 năm về trước, những trận đánh vô cùng ác liệt của các chiến sĩ đặc công đã diễn ra nơi đây nhằm đánh chiếm, bảo vệ cây cầu huyết mạch trên đường tiến công vào Sài gòn của quân ta. Để tử thủ SG, quân ngụy đã tăng cưởng một lực lượng mạnh để bảo vệ cầu, và chúng đã sẵn sàng cho nổ tung cầu để chặn bước tiến công của bộ đội ta vào SG. Chính vì vậy mà những trận đánh giằng co nơi đây giữa ta và địch đã diễn ra vô cùng ác liệt. Cách đánh của bộ đội đặc công ta cũng khác những trận đánh thông thường, thay vì bộ đội đặc công thường đánh từ trong đánh ra ( cách đánh "nở hoa trong lòng địch" ),thì trận này chúng ta lại đánh từ ngoài đánh vào. Hai trăm chiến sĩ đặc công của ta phải đương đầu với gần hai nghìn quân địch ! Đêm 27 rạng ngày 28/4 bộ đội ta đã chiếm được cầu , nhưng sau đó địch phản công quyết liệt và đến trưa 28/4 thì chúng đã chiếm lại được cầu. Bộ đội đặc công lại tiếp tục tiến công và đến tối 28/4 thì chúng ta đã hoàn toàn chiếm giữ cầu, và 2 ngày sau đó, ngày 30/4, các đơn vị của ta đã băng qua cầu tiến thẳng vào giải phóng SG. Trên 50 chiến sĩ đặc công đã ngã xuống trước cửa ngõ TP vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh trên chiếc cầu này. Những ngày này, mỗi lần đi về trên cầu Rạch chiếc, nhìn xuống dòng sông hiền hòa chảy, tôi lại chạnh lòng nhớ đến những người đồng đội của tôi đang yên nghỉ nơi đây! Mấy dòng thơ của Lê Bá Dương viết về đồng đội dưới sông Thạch hãn tôi xin được sửa lại đôi chút như sau:
Đò xuôi Rạch chiếc xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sông nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...
Tôi không phải là bộ đôi đặc công, nhưng hơn 38 năm về trước cũng suýt trở thành lính đặc công. Hồi đó, khi nhập ngũ, mấy đứa cùng khu 16a LNĐ chúng tôi được bác Ngô Từ Vân ( bố của Ngô Tất Thắng ) xin vào đơn vị đặc công và gửi huấn luyện tại Trung đoàn 59 Bộ tư lệnh thủ đô. Nhưng không hiểu vì sao hết khóa huấn luyện, tôi và NT Thắng, HH Thắng đều được bổ sung vào sư 312 và đều trở thành lính Công binh, còn Đạt thì trở thành lính Hải quân.
Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, ngẫu nhiên, tôi lại chọn nơi đây làm nơi ở của mình cho quãng đời còn lại. Tôi đang làm nhà ngay cạnh cầu RC, nên ngày ngày vẫn đi về trên chiếc cầu này. Nghe nói Thành phố đã có kế hoạch xây đài tưởng niệm các chiến sĩ đặc công nơi đây, nhưng không hiểu sao giờ đây vẫn chưa thực hiện được. Ban quản lý dự án khu dân cư Bắc RC, nơi tôi đang xây nhà cũng đã tạm lập bia tưởng niệm các chiến sĩ đặc công RC. Bạn bè mình nếu có dịp qua đây, dù có phải là lính đặc công hay không, xin mời ghé nhà tôi chơi, câu cá trên sông RC và thắp cho hương hồn các chiến sĩ đặc công một nén nhang!

A Lưới













Phía Nam A Lưới 8km, TQ đi ngắm hoa ven đường.












Các cháu rất ngoan và hồn nhiên, không như trẻ em ở SaPa












Gặp lũ trẻ ở một xã phía Bắc A Lưới

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

VỀ ĐIỆN NGỌC (Tiếp theo)

Tại Điện Ngọc, chúng tôi lần lượt gặp bác Tám Trình, bác Năm Xuân, anh thương binh nặng tên Nữa, đại đôi trưởng đại đội 3 tiểu đoàn 1 mặt trận 4 Quảng Đà ...người nào cũng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về trận đánh bi hùng năm xưa, mỗi người ở cương vị và góc nhìn của mình đã giúp chúng tôi hình dung ra trận đánh ngày đó. Không chỉ kể mà ai cũng sẵn sàng bỏ việc nhà để giúp chúng tôi nếu cần.
Những người nông dân mặc áo lính ấy, thôi đánh giặc lại trở về làm ruộng, cũng chẳng còn nhiều nữa. Bác Tám Trình từng là xã đội trưởng cựu trào năm đó, kiên gan bám trụ với hàng chục trận đánh. Nay đã 74 tuổi nhưng vẫn cần cù lao động bên mảnh vườn nhà. Khi chúng tôi vào bác đang ngồi thái thuốc rê, bền bỉ đưa đi đưa lại con dao trên giá, những sợi thuốc đều tắp được ép đều trên tấm liếp chờ phơi nắng. Trong căn nhà tềnh toàng ấy là hai tấm bằng liệt sĩ, bác kể ngày đó anh em hy sinh nhiều lắm, cả người trong này lẫn anh em ngoài Bắc vô, rồi than :” Hy sinh nhiều lắm, có thể nói là cả một lớp người “.
Bác Năm Xuân từng là CTV xã đội thì khá hơn vì sau đó thoát ly lên huyện, rồi tỉnh nên khi về cũng xây được căn nhà khá đẹp so với những người trong xóm. Được cái xác nhà chứ bên cũng chẳng có gì đáng giá.
Nghèo lắm nhưng giàu nghĩa và nặng tình đồng đội, các ông lục tìm trong trí nhớ của mình kể cho chúng tôi nghe chi tiết trận đánh. Cả hai người du kích già đều khảng định trận đó ta không dứt điểm, anh em hy sinh nhiều và không ai được đưa ra, tất cả đều đã nằm lại trong căn cứ Mỹ. Từ các ông, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nữa, một thương binh nặng chỉ còn có đôi tay, việc đi lại với anh thật khó khăn vậy mà mấy chục năm nay vẫn đi tìm đồng đội và đau đáu nỗi đau chưa đưa được anh em về. Anh kể với chúng tôi ngày ấy anh là biệt động quân 3 của Đà Nẵng, được tăng cường cho tiểu đoàn 1 làm nhiệm vụ trinh sát và đưa bộ đội về đánh cứ. Quân xuống hơn một tiểu đoàn mà quân lên chẳng còn bao nhiêu. Tiếng súng trong cứ điểm cứ thưa dần cho đến 10 giờ sáng hôm sau, tất cả họ đều nằm lại...
Trên đường gặp một CCB đi làm đồng về 

Dù hai chân chẳng còn, anh vẫn hăng hái dẫn chúng tôi tìm nhà anh Tróng đại đội trưởng đại đội 3. Nhìn anh lê người bằng hai chiếc ghế đẩu mà ái ngại, chúng tôi không nén được xúc động.
Tôi chạy xe theo anh trong cái nắng gay gắt xứ Quảng, anh Tróng vắng nhà, anh lại dẫn chúng tôi ra đồng tìm, đi cho đến khi hết đường xe chạy. Không thể lội ruộng cùng chúng tôi được anh mới đành ngồi lại chờ chúng tôi bên bờ ruộng.
Anh Tróng nghe chuyện, bỏ đàn vịt ngoài đồng về giúp chúng tôi. Bác nông dân xứ Quảng đã cung cấp thêm nhiều chi tiết quí giá về trận đánh và LS là chiến sĩ của mình. Khi biết chúng tôi sẽ về ăn cơm tại nhà anh Nữa, bác mới yên tâm quay về với đàn vịt. Trên đường đưa bác Tróng về với đàn vịt , tôi ghé cái quán nhỏ đầu làng mời bác chai bia, bác uống một hơi thật ngon lành. Nhìn người lính già năm xưa mà thương quá, đã ngoài 70 rồi vẫn phải đội nắng, lội ruộng kiếm sống. Người lính xưa nhiều chiến công và trên người đầy thương tích ấy thật hiền từ, chận chất vậy mà chẳng công thần, đòi hỏi, không như những người đóng góp chưa bao nhiêu mà đã hô hào hợm hĩnh .
Hai ngày ở Điện Ngọc, Điện Bàn qua nhà nào tôi cũng đều thấy những tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công, nhiều nhà không chỉ một mà ba, bốn cái, mới thấy mảnh đất và con người nơi đây đã hy sinh nhiều lắm cho ngày chiến thắng của dân tộc hôm nay.
Cảm phục và biết ơn

Cùng ăn với gia đình bữa cơm rau

VỀ ĐIỆN NGỌC

Tôi cùng Lixeta một thành viên quansuvn.net nguyên là chiến sĩ lái xe tăng đại đội 4 của Bùi Quang Thận, đơn vị đầu tiên vào cắm cờ trên dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, rủ nhau thực hiện một chuyến đi hai trong một. Trở lại thăm chiến trường xưa và tìm hiểu về trường hợp hy sinh của LS Nguyễn Duy Thính, anh vợ của Lixeta. Kết quả chuyến đi thật ngoài sức tưởng tượng, có thể nói thành công đến 90% phần công việc phức tạp như tìm kim dưới biển này. Câu chuyện tìm kiếm LS Thính dài dài, người trong cuộc phải gom nhặt từ những thông tin nhỏ nhất, sàng lọc để tìm kiếm và được sự giúp đỡ của rất nhiều người, có cơ duyên may mắn mới hy vọng. Tôi không có ý định kể khi sự việc chưa thành hiện thực mà chỉ xin kể với anh em những gì tôi gặp và cảm nhận trong hành trình tìm kiếm LS, đó là đất người Điện Ngọc, Điện Bàn của “ Quảng Nam đi đầu diệt Mỹ “ năm xưa.

Tượng đài dũng sĩ Điện Ngọc







 Bắt đầu là những câu chuyện trong quansuvn.net, các thành viên là CCB có hầu hết khắp các tỉnh thành và họ cũng đủ mọi thành phần trong xã hội, chỉ biết nhau qua những trang viết, đúng là ảo ! Nhưng khi có chuyện gì đó thì cái ảo bỗng dưng thành thật, thật đến chân chất như vốn có của người lính chiến năm xưa.
Thông tin ban đầu về LS Thính chỉ có tờ giấy báo tử vẻn vẻn mấy chữ: “ Đơn vị F2, hy sinh tại mặt trận phía Nam “, rồi sau có thêm lá thư của một đồng đội viết về: "Hy sinh trong trận đánh cứ điểm Cồn Khe ngày 2/5/1969, được chôn cất ở gần nơi có dân ở....
Cồn Khe, cái địa danh này ngày nay không còn nữa, nên việc tìm kiếm của gia đình gần như vào ngõ cụt. Hỏi các phòng ban của QK5 thậm chí họ còn không biết đến cái trận đánh bi hùng năm đó. Ôi ! Sử với sách sao họ chỉ có hoa, còn máu của bao LS người ta có thể quên nhanh đến thế vì những lý do rất không đáng có.

Cũng nhờ mạng mà Lixeta nhận biết được Cồn Khe là địa danh xưa ở Điện Ngọc và anh em CCB lại xúm vào. Nick_Ongbom từ Bình Định giới thiệu một CCB khác tên Vinh đang ở Đà Nẵng người gốc Điện Ngọc sẵn sàng giúp đỡ. Vinh đã bỏ việc Công ty đi cả ngày với chúng tôi tìm các nhân chứng của trận đánh Cồn Khe.

Vợ chồng anh Nữa, chị nhà cũng là một cựu chiến binh, 40 năm tuổi Đảng






Lên đường cùng chúng tôi đi tìm đồng đội
(còn tiếp)

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

KÊ MINH THẬP SÁCH

Nhà Trần một thời lịch sử oai hùng là vậy mà sau thì quá mục ruỗng. Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Bích Châu (Sinh=?; mất 1377) dâng “Kê minh thập sách” lên vua Trần Duệ Tông. Vua vỗ đàn khen hay, nhưng không dám thực hiện.
Để rồi năm 1400 nhà Trần bị nhà Hồ soán vị, và cuối cùng nước Nam mất về tay giặc phương Bắc.
Kính các bác một tuần mới vui khỏe.

KÊ MINH THẬP SÁCH
1) Bền gốc nước, trị kẻ bạo tàn thì lòng dân yên;
2) Pháp luật nghiêm minh, bỏ phiền nhiễu thì nền hành chính không rối;
3) Ngăn chặn bọn lạm quyền để tránh họa ngầm cho nước;
4) Trừ tham nhũng cho dân đỡ khổ;
5) Chấn hưng giáo dục như lửa đuốc sáng tỏ đất trời;
6) Cầu lời nói thẳng, mở rộng ngôn luận như mở cửa thành;
7) Tuyển quân tìm sức mạnh hơn là mẽ người;
8) Chọn tướng cốt tài thao lược, chớ vị nể con ông cháu cha;
9) Khí giới cốt sắc bén, khỏi cần trang trí hình thức;
10) Trận pháp cốt tề chỉnh, không cần múa may phô trương.

Nguyên bản:
Nhất viết: phù quốc bản, hà bạo khử tắc nhân tâm khả an.
Nhị viết: thủ cưu quy, phiền nhiễu cách tắc triều cương bất vặn.
Tam viết: ức quyền hãnh, dĩ trừ quốc đố.
Tứ viết: thải nhũng lại, dĩ tỉnh dân ngư.
Ngũ viết: nguyện chấn Nho phong, sử tước hỏa dữ nhật nguyệt nhi tịnh chiểu.
Lục viết: nguyện cầu trực gián, hội thành môn dữ ngôn lộ nhi tịnh khai.
Thất viết: luyện binh, đương tiên dũng lực nhi tả thân tài.
Bát viết: tuyển tướng, nghi hậu thế gia nhi tiên thao lược.
Cửu viết: khí giới, quí kỳ kiên nhụệ, bất tất thỉ hoa.
Thập viết: trận pháp, giáo dĩ chỉnh tề, hà tu vũ đạo.

Nguồn:

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Mừng thọ thầy Mai Duy Vọng.


Trưa nay, học sinh các khóa đã đến mừng thọ thầy 80 tuổi. Riêng học sinh trường Trỗi đã chiếm hết 2 bàn trong tổng số 4 bàn tiệc. Thầy rất vui, chụp chung với từng học sinh cũ. Sau buổi tiệc, số học sinh còn ngồi lại ca hát cùng thầy những bài hát truyền thống như: "Trường ca", "Vì nhân dân quên mình", "Tiến bước dưới quân kỳ"...Mãi đến hơn 13h mới giải tán. Vui!



Quá ngạc nhiên



Tạ Hòa đang hồi phục . Mừng cho bạn .

Tin cuối tuần.

Hôm qua cô Thục tổ chức lễ 49 ngày cho chú Bút tại thiền viện Vạn Hạnh, đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp. Đến dự cùng gia đình,còn có bà con,bạn bè và học sinh trường Trỗi. Cô rất cảm động, cám ơn tất cả mọi người.



Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

K7 (B1&B3) gặp gỡ tại SG dịp 30/4/2010

Mời xem ở liên kết này

Không có hoa khoe, thì khoe...cháu

Ngày nghỉ ở nhà chơi với cháu.

Bạn Trỗi HN gặp Phan Hồng Việt

Tối qua tại Vườn Treo Pacific HN, cũng là dịp giao ban cuối tuần. Phan Hồng Việt đã được thỏa mãn "cơn khát" gặp bạn bè sau mấy chục năm. Theo như Việt nói: "từ ngày giải tán trường hôm nay mới có dịp được gặp bạn Trỗi đông như vậy". Hôm qua ngoài bạn Trỗi, còn một số bạn bè ngoài "Trỗi" của Viêt. K6 có Việt "vít", K5 có anh Minh Sơn, Xuân Bắc và một số anh chị là thành viên thường xuyên giao ban tại VT.

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

30/4 xin nói về những người ít được nhắc tới..

Tôi và các bạn thuộc về một thế hệ khá đặc biệt. Sinh ra cuối những năm của cuộc kháng chiến chống Pháp, đầu những năm hòa bình, ngày 5/8/1964 khi máy bay Mỹ ném những trái bom đầu tiên xuống miền Bắc, chúng ta vẫn còn là những đứa trẻ học cấp một. Do truyền thống, lúc đó bố mẹ chúng ta thường cứ hai năm cho ra đời một công dân mới, mười năm sau hòa bình lập lại nhiều người trong chúng ta đã có sau mình một đàn em, ít thì 2 đứa, nhiều có khi lên đến 4-5 đứa. Chiến tranh lan ra miền Bắc, trường học ở các thành phố lớn đóng cửa hoàn toàn, bố mẹ chúng ta người ra mặt trận, người theo cơ quan, trường học, bệnh viện để tiếp tục công tác, người ở lại Hà nôi vừa sản xuất vừa chiến đấu. Còn những đứa trẻ con thì bắt buộc phải đi sơ tán.
Vậy là hàng loạt các trại trẻ sơ tán ra đời. Tôi biết các anh chị của blog này là học sinh trường Trỗi, nhưng tôi cũng biết là phần đông các gia đình chỉ một hai người con (chủ yếu là con trai) đủ tiêu chuẩn vào trường thiếu sinh quân này, còn lại là đi sơ tán theo các trại trẻ cơ quan. Theo trí nhớ của tôi thì hồi đó các cơ quan Trung ương, các trường Đại học thì đi sơ tán toàn bộ cơ quan , nhiều cơ quan đi khá xa Hà nôi. Còn các cơ quan Hà nội thì không đi sơ tán. Khoảng thời gian từ năm học 1965-1969 những làng quê ở Hà tây, Hà bắc, Hưng yên tràn ngập trẻ con Hà nội, đặc biệt là ở Hà tây vì ở khu vực này có đủ trường học và tiện cho bố mẹ đi thăm hàng tuần hoặc hàng tháng vì không phải vượt sông Hồng. Quy mô và tổ chức của các trại có khác nhau tùy khả năng từng cơ quan nhưng mục đích thì như nhau : bảo đảm nuôi dạy các cháu an toàn, học hành chu tất. Tôi và 4 đứa em, đứa nhỏ nhất 1 tuổi đi sơ tán theo trại trẻ của cơ quan mẹ tôi. Trại trẻ về đóng ở một xã rất giàu có, có truyền thống khoa bảng của huyện Thạch thất. Và ở đây có rât nhiều đơn vị sơ tán, mỗi đơn vị đều có bí số riêng. Cho đến giờ theo trí nhớ của tôi thì ở đây, ngoài trại trẻ của tôi (trại X12) còn có trại trẻ của Tổng cục chính trị (C12), một số Viện nghiên cứu của Bộ giáo dục (V12), Tạp chí văn nghệ Quân đội, một đơn vị mà chúng tôi gọi là Cục Thông tin chả biết của cơ quan nào. Chỉ riêng hai trại C12 và X12 trẻ con đã lên đến cả trăm đứa. Trại chia các cháu thành các tổ, ở trong nhà dân. Làng này nhiều nhà to, chứa được hàng chục cháu. Như nhà tôi ở, chủ nhà dành hẳn một khu nhà ba gian, mỗi gian kê được một giừơng đôi và một giường cá nhân, cho trại trẻ. Mỗi tổ khoảng 15-20 đứa trẻ do một bảo mẫu trông coi. Thường bảo mẫu là các cô bác lớn tuổi, hết tuổi dân quân tự vệ, hoặc một số nữ thanh niên sức khỏe yếu không ở lại chiến đấu được. Và họ phải chịu trách nhiệm về sức khỏe, học hành và tính mạng của cái đám trẻ con lau nhau đủ các lứa tuổi ấy. Một số nhà trẻ có cô giáo dạy học nhưng chủ yếu chỉ dạy vỡ lòng hoặc cấp 1, còn thì đa phần trẻ con theo học luôn ở các trường ở địa phưong. Ở nhiều trai trẻ những đứa lớn nhất chỉ mới 13-14 tuổi, có giúp được các cô các bác bảo mẫu thì cũng chẳng được là bao. Trẻ con ở dồn lại một chỗ nghĩa là kèm theo đánh nhau, chăm học, lười học, bệnh tật, tai nạn… Và thực ra cái vòng « an toàn » quanh Hà nôi mà nhiều trại trẻ chọn làm nơi sơ tán cũng chả xa nơi bom rơi đạn nổ là mấy. Bọn tôi cũng đã nhiều lần thò cổ ra khỏi hầm trú ẩn xem máy bay ta đuổi máy bay địch, nhiều lần thấy nhiễu ra đa vương đầy cành cây. Và cả một lần một thứ từ trên trời rơi xuống cách hầm trú ẩn của chúng tôi chừng 20-30m làm nhà hàng xóm cháy nghi ngút. May mà không ai thiệt mạng. Tất nhiên cái gánh nặng phải bảm đảm an toàn tính mạng của các cháu trong thời bom đạn đầy trời ấy cũng nắm trên vai các cô các bác bảo mẫu. Không phải chỉ một người đã từng hy sinh thân mình che bom đỡ đạn cho các cháu…

Tôi và các bạn cùng lứa không một ai phải nghỉ học một ngày dù tất cả trường học ở thành phố đóng cửa. Bạn bè đại học sau này có người ở tận Vĩnh linh, đã theo trại trẻ sơ tán ra Thanh hóa, rồi ra trường miền Nam. Xét theo độ tuổi khi vào học Đại học thì họ cũng không phải bỏ học ngày nào. Đọc sách, xem phim chưa từng gặp một cuộc chiến tranh khốc liệt dài lâu nào trên thế giới mà toàn bộ trẻ con không bị thất học một năm nào. Và cái đám trẻ con đội mũ rơm đi học ấy khi bước chân vào đại học đều học hành đâu ra đó. Chứng tỏ hành trình sơ tán để đi học đã được các trại trẻ thời ấy làm rất tốt.

Những ngày ấy cha mẹ của tất cả chúng ta đều đang ở mặt trận hay đang ở một vị trí công tác nào đó trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Họ đã có thể dồn hết tâm trí, sức mạnh để làm nên một ngày 30/4 /1975 lịch sử một phần cũng nhờ ở chỗ họ vô cùng tin tưởng rằng ở hậu phương con cái họ được an toàn và học hành tử tế. Công lao ấy thuộc về các thầy cô giáo, các cô bác bảo mẫu của các trại trẻ sơ tán, các trường sơ tán nội trú, những người rất ít khi được nhắc đến trong mỗi dịp mừng ngày chiến thắng. 

EGK9

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Tin nhanh.

Tối thứ Tư, nhân dịp hai bạn K7 Trần Thế Dân ở Hà Nội và Nguyễn Phúc Học từ Đà Nẵng vào công tác, anh em hội thường nhậu K7SG đã có dịp cùng ngồi hàn huyên với nhau.


H1: Anh em nhà Nguyễn Phúc. Chúc mừng Học năm nay có hai niềm vui.





H2: SG nóng quá, nhậu dưa leo không.


H3: Ông nào khôn nhất bàn.

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Thông báo

Sau khi đã liên lạc và thống nhất với Phan Hồng Việt.
Chiều thứ Sáu, ngày 23/4/2010, vào hồi 17h tại Vườn treo Pacific 281 Đội Cấn, Hà nội. Các bạn Trỗi ở Hà nội tổ chức buổi gặp mặt với Phan Hồng Việt.
Mời các bạn Trỗi cùng tham dự.

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

SG ĐÓN BẠN.


Phan Hồng Việt (Việt "tặc") nguyên học sinh B4, khóa 8. Tưởng bạn "mất tích" từ lâu, hóa ra đang định cư tại một bang của Tây Đức. Sau mấy chục năm "tuyệt tích giang hồ", nay bạn trở về thăm lại gia đình. Mong ước của Việt là được gặp lại các bạn bè xưa. Bạn nói dù có thế nào cũng phải ngồi với bạn bè ít nhất là một buổi. Nghe bạn kể cơ may gặp trang Uttroi thật tình cờ, đọc được tin, nhìn thấy hình ảnh bạn bè xưa mà lòng xúc động, cảm động rơi nước mắt. Ngày mai Việt trở ra HN sẽ gặp các bạn ngoài đó.

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

MÙA HOA NỞ

Năm nào cũng vậy, cứ hết Tết là tôi lại khấp khởi chờ phong lan ra nụ. Ngày nào cũng ra săm soi, và mỗi khi phát hiện ra một giò nào đó có nụ thì sung sướng vô cùng, thành quả của cả một năm tưới tắm. Năm nay, nghe lời của một nhà nuôi lan chuyên nghiệp là tưới vừa phải thôi thì lan lại kém hơn năm ngoái, thế có chán không! Dù sao vẫn có hoa! Lại khoe!
Ảnh 1: Lan Nghệ Tâm, hoa nhỏ nhưng rất thơm.
Ảnh 2: Kim Điệp thơm. Hoa có cánh cứng như hoa nhựa, mặt cánh bóng, cũng rất thơm.



Ảnh 3: Trúc Mai: hoa nở ngay sau Tết, rất thơm.


Ảnh 4: Hạc Vỹ, những bông hoa màu tím nhạt, cánh hoa mỏng mảnh, đài các. Hoa này có mùi thơm dịu dàng. Còn mấy giò Vầy rồng Lào, Nhất điểm Hoàng và Hoàng Lạp thì quên chụp nên tàn mất rồi! Ngoài ra còn vài giò nữa đang có nụ, bao giờ hoa nở lại khoe tiếp hỉ?



Ảnh cuối: hoa loa kèn, nở quanh năm trong nhà tôi, không có mùi gì. Đây là hưởng ứng theo bài của EGK9, tôi mạo muội khoe một bức tranh, là bài tập trong thời gian học vẽ ở lớp của thầy Trịnh Quang Vũ.
Kể từ khi chuyển về Từ Liêm, tôi đâm lười không đi học nữa. Tiếc!
Chắc phải thu xếp thời gian đi học tiếp thôi. Lớp bây giờ có thêm Việt Liên K8 nứa. Thỉnh thoảng các chị K2, K4 vẫn "mắng mỏ" tôi là "học hành không dến nơi đến chốn". Phải đi học thôi!!!

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Mùa loa kèn nở

Tháng Tư rồi! Không biết bây giờ, vào cái thời buổi thay đổi khí hậu toàn cầu thì Hà nội (cái nơi là Hà nội ngày xưa của tôi ấy) là đang nắng hay mưa. Và với một thành phố lúc nào cũng ồn ào, bụi bặm và tắc đường, liệu hương loa kèn tháng 4 có còn nồng nàn như tháng ngày thời quá khứ.

Ngày xưa ấy, cái không khí thanh sạch của thành phố làm cho hương hoa mỗi mùa đậm ngát hẳn lên và dần dần với người Hà nội, hay ít nhất với đàn bà con gái Hà nôi, mỗi mùa trong năm gắn với một loài hoa. Tháng giêng đào đỏ thắm ven Hồ Tây, đào chảy về Hàng Lược. Cuối tháng ba, chợt những cơn mưa đầu mùa, hoa sấu rụng trắng đường Phan Đình Phùng, Trần Phú tỏa một mùi thơm ngòn ngọt, chua chua, dịu nhẹ, mà chỉ có những sáng thật sớm, thật thanh khiết, thật bình an ta mới cảm nhận được . Cảm được mùi thơm hoa sấu cũng như nghe được tiếng sơn ca giữa đô thị đông người! Tháng năm bằng lăng tím ngát đường Bông Nhuộm, Lương Văn Can. Có một thời khói lửa, bằng lăng gợi nhớ bạn bè tháng năm chưa kịp vào thi đã xếp bút nghiên ra mặt trận. Tháng mười “ Hà nội mùa này mùa hoa sữa/ Anh chờ em ở góc đường Nguyễn Du/ Hoa sữa thơm mùi hương chờ đợi/ Trăng mùa đông gọi trăng mùa thu”…
Và giữa cái mùa hoa sấu giản dị với hoa bằng lăng rực rỡ là mùa hoa loa kèn kiêu sa. Giữa tháng 4 đến đầu tháng năm, hoa loa kèn xuống phố.

Hoa loa kèn hay huệ tây, ở Đà lạt còn gọi là hoa Lys, một thứ hoa nhập nội có nguồn gốc từ Nhật bản, hoa to hương đậm nên chẳng thể thờ ơ. Cũng chẳng thể thờ ơ với một loại hoa đã trở thành bất tử trong nền hội họa của Việt nam. Từ cái ngày có “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân, đã có biết bao thiếu nữ Hà thành mơ cho mình một bức chân dung như thế và cũng có biết bao nhiêu người yêu hội họa cũng đã muốn thử sức mình với cành hoa tinh khiết như thế.

Cái thời đời sống còn khốn khó, mùa loa kèn xuống phố, dẫu túng bấn đến đâu cũng phải một lần mua hoa về cắm. Để mang một chút cuối xuân, một chút Hà nội vào nhà, một chút Hà nội của riêng trong lòng Hà nội của chung.

Loa kèn là thứ cây chỉ thể nở hoa khi củ của nó được ngủ đông qua mùa lạnh giá. Các nhà nghiên cứu, những chuyên gia trồng hoa biết rằng chỉ cần cho củ vào xử lý lạnh (mà chuyện này bây giờ làm dễ ợt) thì mùa nào cũng có loa kèn để cắm. Cái việc xử lý lạnh để cho ra hoa trái mùa cũng là một phần trong chuyên môn của tôi, vậy mà tôi chỉ muốn mỗi năm chỉ một lần loa kèn xuống phố. Để khi đã xa xôi với Hà nội ngày xưa, mỗi lần tháng Tư về tôi lại thấy mình nhớ về một mùi hương thơm nồng nàn những phồ phường thời mà bạn bè vẫn nhắc “Hà nội ngày xưa” …

EGK9
Nguồn ảnh: Internet

Gặp lại bạn cũ.


Đoàn Phú Hùng từ HN vào dự đám cưới anh trai Đoàn Phú Hòa. Do không hiểu phong tục đám cưới phía Nam, nên từ 16h30 cậu đã ra nhà hàng để chuẩn bị đón khách. Ra đến nơi chả thấy khách đâu, mà cô dâu, chú rể mãi 18h30 mới xuất hiện. Tiện thể Nguyễn thăng Long từ Đà nẵng cũng có mặt tại SG. Đám Trỗi khu Nam đồng hẹn nhau chủ nhật họp mặt có mở rộng. Chuyện xưa, chuyện nay râm ran. Hết 4 chai Voska lúc nào không hay? Giờ này vẫn chưa chịu giải tán.

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

THÔNG BÁO

Mừng thọ thầy Mai Duy Vọng 80 tuổi và cũng nhân dịp lễ 30/4, gia đình thầy thân mời các thầy cô và học sinh các khóa trường Nguyễn Văn Trỗi tới dự buổi liên hoan thân mật,
Thời gian : 10g30 trưa CN (25/4/2010)
Địa điểm : phòng 1, lầu 1, lô A
Cao ốc 6A Him Lam, khu dân cư Trung Sơn
(từ Q1, đi đường Nguyễn Văn Cừ nối dài –
qua cầu Nguyễn Văn Cừ -
thẳng đến khu Trung Sơn)
ĐT thầy Vọng : 013 626 164 61
Đề nghị BLL các khóa thông tin tới AE và thông báo số lượng người tham dự cho JM biết trước ngày 20/4/2010 để báo cáo với thầy Vọng.
TM.BLL
JM

Thứ Ba, 6 tháng 4, 2010

Mải vui quên mất lời ai dặn dò.

KV nhắn nhủ bạn mình rằng ở trong ấy đừng có về, rằng uống in ít thôi. Không biết còn ai có lời dặn dò nữa không đây, dưng mà bạn mình mải vui...



Đội cơ quan nào mà bỏ việc hết, đi nhậu từ dát trưa, cười tươi như nghé vào hợp tác. Sếp ơi coi hình bắt về viết kiểm điểm đê.




Ba say chưa chai, hội thường nhậu ai cũng dứt khoát: Không phải cháu.